Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo nhà đầu tư phối hợp địa phương tích cực xử lý vướng mắc mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án |
Báo cáo Bộ trưởng, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, nhà đầu tư dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cho hay: Hiện tiến độ toàn dự án đạt gần 51% (chậm gần 2%) so với kế hoạch. Riêng 8 gói thầu đoạn tuyến sử dụng vốn JICA, tiến độ khả quan, đạt 66,8%.
Ghi nhận tại hiện trường, Hơn 139km dự án đang bước vào giai đoạn cao điểm thi công, cơ bản thông tuyến nền đường, thảm cấp phối đá dăm đại trà và bê tông nhựa... Theo thống kê của VEC, dự án có khối lượng cấp phối đá dăm khổng lồ lên đến gần 3 triệu m3, hiện tập kết được 780.000 m3.
"Khó khăn hiện nay là nguồn vật liệu, vướng mắc mặt bằng, dân tái cản trở thi công. Toàn tuyến còn gần 8,5km chưa thể thi công, tập trung tại 13 điểm vướng lớn. Trong đó Quảng Nam có đến 8 điểm", ông Anh kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh đã giao gần 98% mặt bằng dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, hiện còn khoảng 150 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, vận động các hộ còn lại nhận tiền và ký cam kết bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2016 - ông Thu nói.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tặng quà động viên cán bộ, công nhân các đơn vị thi công tại công trường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi |
Chia sẻ nguyên nhân khách quan tác động đến dự án, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu nhà đầu tư tích cực phối hợp địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công. VEC cần chủ động thuê tư vấn nước ngoài, lựa chọn nhà thầu mạnh và "sàng lọc" các đơn vị yếu.
"VEC phải đánh giá được năng lực các nhà thầu, không được quá phụ thuộc vào các nhà thầu. Giờ việc để làm không còn nhiều, nên đơn vị nào yếu, không đáp ứng được thì phải loại khỏi dự án", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng chỉ đạo nhà đầu tư, các đơn vị chức năng kiểm soát chặt chất lượng dự án ngay trong quá trình tập kết vật liệu, thi công. "Tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ không chấp nhận hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chịu trách nhiệm chất lượng cuối cùng là chủ đầu tư, sau đó là ông tư vấn", Bộ trưởng nói.
Trong chuyến kiểm tra hiện trường, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã yêu cầu nhà đầu tư, các nhà thầu chủ động tập kết nguồn vật liệu, kiểm soát chất lượng đá, bê tông nhựa, chủ động nguồn vốn trước giai đoạn cao điểm thi công này.
Hơn 139 km dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cơ bản đã "thông nền đường" |
Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh báo cáo đơn vị đang tích cực kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng dự án. Hiện VEC đã rà soát chấn chỉnh, thay thế một số phòng thí nghiệm không đạt yêu cầu; tổ chức lực lượng độc lập kiểm tra đột xuất chất lượng. "Thay vì tổ chức phòng thí nghiệm theo từng nhà thầu, chúng tôi thành lập các phòng thí nghiệm độc lập để kiểm soát chặt chất lượng", ông Anh nói thêm.
Trong quá trình thi công, VEC kiên quyết đưa ra khỏi công trường các nguồn vật liệu không đạt yêu cầu. Các đơn vị tư vấn thí nghiệm có kinh nghiệm ở các dự án lớn được tăng cường kiểm soát chặt chất lượng nhựa và thí nghiệm chất lượng bê tông nhựa...
Ông Mai Tuấn Anh cũng kiến nghị Bộ GTVT có phương án ưu tiên bố trí vốn cho công tác GPMB dự án và đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo các cấp chính giải quyết sớm tình trạng cản trở thi công. "Mục tiêu năm 2016, dự án hoàn thành toàn bộ 65 km (đoạn tuyến sử dụng vốn vay JICA), thông nền và cầu cống trên 74 km đoạn tuyến vốn vay WB", ông Anh nói.
Nguồn: baogiaothong.vn
VEC ứng hơn 1.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cho 3 tỉnh Trong khi chờ bố trí vốn đối ứng, để giải quyết kinh phí GPMB, VEC bằng nguồn vốn của mình đã ứng trước cho các địa phương 1.013 tỉ đồng (trong đó Đà Nẵng 270 tỷ, Quảng Nam 429 tỷ, Quảng Ngãi 212 tỷ) và đang tiếp tục thu xếp vốn để ứng cho các địa phương để đảm bảo tiến độ dự án. Tổng chiều dài dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 139,204 km, trong đó đoạn tuyến do JICA tài trợ dài 65 km (Km0+00-Km65+00), đoạn tuyến sử dụng vốn WB dài 74,204 km (Km65+00-Km139+204), với tổng mức đầu tư: 34.516 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn cho công tác GPMB là 3.199 tỉ (kể cả cho di dời đường điện cao thế); nguồn vốn đối ứng đã bố trí đến nay là 1.638 tỉ đồng; nhu cầu còn lại là 1.561 tỉ đồng. |
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện