Tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo kết quả triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện Quý I/2016 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được triển khai quyết liệt trên cả nước, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2016.
So với các tháng đầu năm 2015, lượng xe vi phạm quá tải, cơi nới kích thước thùng xe đã giảm nhiều, tuy nhiên ở một số đoạn tuyến vẫn còn tình trạng xe quá tải trong lưu thông trên đường bộ. Đối tượng xe vi phạm chở hàng quá tải chủ yếu là loại xe tự đổ có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, tập trung ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, công trình đang xây dựng, các mỏ khai thác, sản xuất...chạy trên phạm vi hẹp và một vài trường hợp lái xe hoạt động trốn tránh lực lượng kiểm tra và chống đối không hợp tác với lực lượng chức năng.
Đại diện Tổng cục Đường bộ trình bày dự thảo báo cáo
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai rộng khắp trên toàn quốc, các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Thanh tra các Cục QLĐB đã khắc phục khó khăn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát liên tục 24/24h và 7 ngày trong tuần. Qua đó, các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe... đã chấp hành quy định về vận tải đường bộ, tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải đã giảm nhiều, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2016, Thanh tra các Cục QLĐB đã kiểm tra 415 xe, trong đó có 361 xe vi phạm về tải trọng, 70 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 312 giáy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 9,5 tỷ đồng.
Cũng trong 3 tháng đầu năm, lực lượng Thanh tra giao thông và Công an giao thông tại các Trạm KTTTX và Thanh tra các Sở GTVT đã sử dụng cân xách tay tiến hành kiểm tra 92.766 xe, trong đó 5.538 xe vi phạm về tải trọng, 439 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 1.716 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 42,15 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vẫn còn tình trạng các chủ xe, lái xe lợi dụng dịp Lễ, Tết chở hàng quá tải lưu thông tại các địa phương. Một số cán bộ, nhân viên làm công tác kiểm soát tải trọng xe tại một số địa phương còn lơ là, buông lỏng công tác để các phương tiện chở quá tải lưu thông. Nhiều trường hợp đã bị lãnh đạo các địa phương đi kiểm tra phát hiện, xử lý theo quy định. Nhân viên tại một số Cảng còn lúng túng trong việc kiểm soát tải trọng xe, để tình trạnh xe quá tải, xe vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng vi phạm lưu thông qua nhiều địa phương.
Trong những tháng tiếp theo năm 2016, khắc phục những khó khăn, tồn tại tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với Thanh tra các Sở GTVT thực hiện quyết liệt các phương hướng, nhiệm vụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng xe quá tải trọng lưu thông trên đường.
Tại buổi làm việc, đại diện các Cục chuyên ngành, các đơn vị có liên quan đều báo cáo sơ bộ công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trong lĩnh vực của mình đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hạn chế lượng phương tiện chở quá tải trọng cho phép.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ trên cơ sở dự thảo báo cáo, tiếp tục đi sâu phân tích kết quả đạt được trong những tháng đầu năm trên tất cả các lĩnh vực: Đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa…; tại các địa phương... để có báo cáo hoàn chỉnh về công tác kiểm soát tải trọng xe.
Báo cáo cần có sự so sánh về kết quả đạt được, phân tích đánh giá các điển hình, giải pháp cụ thể trong trước và sau đợt cao điểm về kiểm soát tải trọng xe, tập trung đi sâu vào những giải pháp cụ thể, yêu cầu hậu kiểm sau khi cam kết, vấn đề tuần tra kiểm soát…
Báo cáo cần nói rõ chủ động phối hợp tuyên truyền về kiểm soát tải trọng phương tiện, cần nhân rộng mô hình hiệu quả, răn đe giáo dục đối với các đối tượng vi phạm, nâng cao công tác tuyên truyền. Báo cáo cũng cần đưa ra đánh giá cụ thể về hiệu quả cũng như hạn chế của trạm cân lưu động, có giải pháp để sử dụng hiệu quả hơn nữa trạm cân.
Thứ trưởng đề nghị các Cục chuyên ngành tiếp tục triển khai kế hoạch, tăng cường hơn nữa các giải pháp, tuyên truyền hiệu quả đồng thời lưu ý Cục Đăng kiểm nghiên cứu đưa ra các giải pháp về vấn đề lộ trình, xử lý vi phạm; tập trung phối hợp với lực lượng thanh tra.
Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ Vận tải cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá tồn tại hạn chế trong khâu quản lý và tổ chức vận tải của một số tuyến vận tải; lên kế hoạch để Thứ trưởng làm việc với các địa phương về vấn đề bến cóc, xe dù, xe quá tải trọng… Thứ trưởng đề nghị các Cục chuyên ngành cần có sự kết nối, cung cấp thông tin báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước 19/3 để Tổng cục nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tổng hợp./.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện