Theo báo cáo của Cục QLXD&CL CTGT, sau khi phát hiện có khuyết tật ảnh hưởng đến chất lượng bê tông thân trụ, Ban QLDA đường sắt có văn bản báo cáo kết quả kiểm định trụ TL02 và báo cáo xử lý chất lượng bề mặt thân trụ TL02 và báo cáo về chất lượng và giải pháp xử lý bê tông thân trụ TL2.
Trên cơ sở văn bản của Cục QLXD, Bộ GTVT có văn bản giao Ban QLDA đường sắt thẩm định, phê duyệt phương án chi tiết sửa chữa khuyết tật và chỉ đạo Tổng thầu, Tư vấn giám sát thi công sửa chữa ngay, đảm bảo trụ đạt khả năng chịu lực theo thiết kế, tuổi thọ lâu dài và mỹ quan công trình.
Chi tiết giải pháp xử lý bê tông thân trụ TL2 được Bộ GTVT chấp thuận như sau: Đục bỏ phần bê tông rỗ, rạn đến phần bê tông tốt. Bơm keo áp lực cao để lấp đầy vết nứt; Tổ chức đánh giá độ đồng nhất của bê tông thân trụ sau khi bơm keo; Nếu bê tông đạt yêu cầu về độ đồng nhất, tiến hành tạo nhám và làm sạch bề mặt bê tông, cấy cốt thép, đặt cốt thép cấu tạo chống co ngót và đổ bê tông bọc thân trụ.
Đối với đề xuất của Ban QLDA đường sắt, đến nay, Tổng thầu chưa triển khai thi công xử lý khuyết tật và có văn bản đề nghị tiếp tục xem xét thêm 3 phương án bọc bê tông thân trụ để lựa chọn được phương án kinh tế, kỹ thuật phù hợp với điều kiện của Tổng thầu.
Trên cơ sở đề nghị của Tổng thầu, Ban QLDA báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý bề mặt bê tông thân trụ TL2 như sau: Đục bỏ phần bê tông rỗ, rạn đến phần bê tông tốt. Với vết rỗ nhẹ: trát phẳng bằng vữa Sika Rifit 2000 hoặc có thể trám vá bằng Sika 731. Bơm keo áp lực cao để lấp đầy khe nứt; Tổ chức đánh giá độ đồng nhất của bê tông thân trụ sau khi bơm keo; Sau khi bê tông đạt yêu cầu về độ đồng nhất, xem xét lựa chọn một trong ba phương án: bọc thân trụ bằng vỏ thép dày 12mm ở phạm vi 7 m tính từ đỉnh bệ trở lên. Chi phí cho phương án khoảng 500 triệu đồng; Bọc thân trụbằng bê tông dày 20cm theo như phương án đã được Bộ GTVT chấp thuận tại văn bản số 15367/BGTVT-CQLXD ngày 18/11/2015. Chi phí cho phương án khoảng 380 triệu đồng; Bọc thân trụ bằng 2 lớp sợi carbon. Chi phí cho phương án khoảng 850 triệu đồng.
Trên cơ sở so sánh ưu nhược điểm của từng phương án, Tổng thầu và Ban QLDA đường sắt kiến nghị lựa chọn phương án 1 để bọc thân trụ.
Trên cơ sở đó, Cục QLXD&CL CTGT có ý kiến như sau: Về việc xử lý vết nứt, rỗ rạn bề mặt bê tông, đánh giá độ đồng nhất của bê tông thân trụ: Đã tuân thủ chỉ đạo của Bộ.
Về phương án bọc thân trụ, phương án 1 có ưu điểm hơn so với phương án 2, 3 do khắc phục nhược điểm của phương án 2 (bê tông bọc thân trụ dính bám không tốt vợi bê tông của thân trụ cũ, tiết diện thân trụ thay đổi, có hình dáng không đồng nhất với các trụ lân cận nên mỹ quan kém, tĩnh tải thân trụ tăng so với thiết kế ban đầu, thi công khó khăn do đã đổ bê tông mũ nên khó đổ bê tông bọc trụ, thời gian thi công kéo dài); Đã khắc phục nhược điểm của phương án 3 (lớp keo dán dễ bị bong khỏi bề mặt thân trụ, tuổi thọ không cao do vật liệu bọc trụ cói gốc hữu cơ không bền theo thời gian, kinh phí giảm so với phương án 3).
Tuy nhiên, phương án 1 có nhược điểm so với phương án 2, 3 phải bảo dưỡng sơn phần thép bọc trụ định kỳ theo tuổi thọ của lớp sơn (khoảng 10 năm sơn 1 lần).
Do phải bảo dưỡng sơn phần thép bọc trụ định kỳ theo tuổi thọ của lớp sơn nên nếu chấp thuận phương án 1, cần yêu cầu Tổng thầu chịu phần kinh phí tăng tương ứng với tuổi thọ của công trình do phải bảo dưỡng sơn định kỳ phần thép.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, kiểm toán, đánh giá chất lượng thân trụ và giải pháp sửa chữa khuyết tật do Ban QLDA đường sắt đề xuất, Cục QLXD&CL CTGT kính đề nghị Lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục giao Ban QLDA đường sắt thẩm định, phê duyệt phương án chi tiết sửa chữa khuyết tật và chỉ đạo Tổng thầu, Tư vấn giám sát thi công sửa chữa ngay, đảm bảo trụ đạt khả năng chịu lực theo thiết kế, tuổi thọ lâu dài và mỹ quan công trình.
Ban QLDA đường sắt có thể lựa chọn phương án 1 hoặc phương án 2 theo nguyên tắc: Nếu chấp thuận theo phương án 1, cần yêu cầu Tổng thầu chịu phần kinh phí tăng tương ứng với tuổi thọ của công trình do phải bảo dưỡng sơn định kỳ phần thép. Ngoài ra, Ban QLDA đường sắt cần kiểm tra hiện trường để quyết định phạm vi bọc trụ đảm bảo việc bọc trụ hết phần có khuyết tật trên thân trụ.
Nếu chấp thuận theo phương án 2 (phương án đã được Bộ GTVT chấp thuận tại văn bản số 15367/BGTVT-CQLXD ngày 18/11/2015) sẽ phải chấp thuận các nhược điểm của phương án như báo cáo của Ban QLDA đường sắt tại văn bản số 277/BQLDAĐS-DA2 ngày 01/02/2016.
Cục QLXD&CL CTGT
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện