Báo cáo tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đưa ra một số nội dung về đặc điểm tình hình và dự báo phát triển hàng không; một số tồn tại trong việc thực hiện Quy hoạch phê duyệt tại Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009.
Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh báo cáo tại cuộc họp
Về mục tiêu phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng Ngành Hàng không dân dụng trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; là lực lượng dự bị của quốc phòng, liên quan trực tiếp đến quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền, cảnh giới vùng trời quốc gia; một trong những ngành đi đầu trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng, địa phương, đặc biệt là miền núi, hải đảo; bảo đảm an toàn hàng không, không để xảy ra tai nạn hàng không. Bảo đảm vững chắc an ninh hàng không, bộ phận quan trọng của hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia; phát triển hàng không dân dụng đồng thời với tăng cường bảo vệ môi trường; phát triển nhanh thị trường hàng không Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN; phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường hàng không Việt Nam. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành một trong những trung tâm hàng không quốc tế lớn của khu vực.
Bên cạnh đó, phải phát triển hệ thống quản lý bay theo Kế hoạch Không vận mới của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đảm bảo cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động có chất lượng, công nghệ và năng lực ngang với khu vực và trên thế giới; năng lực của toàn hệ thống luôn luôn cao hơn từ 1,3 lần so với mật độ hoạt động bay được phép vào giờ cao điểm; phát triển các doanh nghiệp hàng không có đủ năng lực cạnh tranh cả về quy mô và chất lượng dịch vụ; phát triển đội tàu bay hiện đại và nâng cao tỷ trọng đội tàu bay sở hữu; tập trung phát triển hệ thống bảo dưỡng tàu bay, thiết bị hàng không làm nòng cốt cho việc phát triển công nghiệp hàng không Việt Nam; tiến đến tự thiết kế, chế tạo các trang thiết bị chuyên ngành; phát triển nguồn nhân lực, cơ sở đào tạo ngành Hàng không đảm bảo tính cân đối, toàn diện và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, đặc biệt là nhân viên hàng không trình độ cao như phi công, thợ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu; hoàn thiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng tại cuộc họp, Cục trưởng Cục HKVN cũng đưa ra các nội dung cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT Hàng không giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 bao gồm chỉ tiêu phát triển; bổ sung nội dung chính sách phát triển vận tải hàng không theo hướng tự do hóa; mạng đường bay; đội tàu bay; mạng sân bay; mạng cảng hàng không - sân bay; hệ thống sân bay chuyên dùng; quản lý, bảo đảm hoạt động bay; công nghiệp hàng không; doanh nghiệp hàng không; nguồn nhân lực và cơ sở đào tạo; vốn đầu tư; bảo vệ môi trường…
Lãnh đạo Tổng công ty Cảng HKVN, Tổng công ty Quản lý bay VN, Vietnam Airlines, Vietjet Air và các cơ quan đơn vị của Bộ có đóng góp ý kiến quan trọng về các nội dung Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tại cuộc họp rà soát lần này.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: Theo lộ trình thì trong tháng 5 sẽ trình Chính phủ Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị Cục HKVN phải ký ngay hợp đồng về đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị dự họp để tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo Điều chỉnh Quy hoạch.
“Quy hoạch là chiến lược lâu dài để đưa ra định hướng phát triển. Quy hoạch này phải tuân thủ các quy hoạch phát triển khác, phù hợp với chiến lược phát triển các vùng, quy hoạch phát triển Logistic; phù hợp các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO)”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện