Kỷ lục cầu hơn 463 tỷ thi công trong 6 tháng

Chủ nhật - 31/01/2016 12:00. Xem: 57
Một cây cầu lớn bắc qua ngã ba sông với tổng mức đầu tư hơn 463 tỷ đồng đã hoàn thành sau 6 tháng thi công.  
7
Đại diện Ban QLDA6 chụp ảnh lưu niệm cùng với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện tổ chức JICA

Đây là một kỳ tích nhưng ít ai biết để có được điều ấy là bao mồ hôi, tâm sức của những người quản lý dự án lẫn thợ cầu trên công trường.

Cây cầu là mệnh lệnh cuộc sống

Còn nhớ vào thời điểm tháng 3/2015, khi cùng đoàn công tác của Bộ GTVT khảo sát vị trí làm cầu Tân Phong, nơi đây vẫn còn là một vùng hoang sơ với những cánh đồng hoa ngút ngàn nằm ven bãi sông Đào. Chỉ sau 9 tháng vừa thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, vừa triển khai thi công, cây cầu thuộc diện lớn nhất tỉnh Nam Định, nối liền hai bờ sông Đào đã xuất hiện như một dải lụa bắc qua hai bờ sông.

Ngày khánh thành cầu Tân Phong, người dân lũ lượt kéo đến dự. Trong niềm phấn khởi, không ít người đã trào nước mắt. Ông Trần Đình Hùng ở xã Nam Phong, TP Nam Định tâm sự: “Cây cầu này là ước mơ bao đời của người dân hai bờ chúng tôi”. Cụ Đoàn Thị Hòe (xã Nam Phong, TP Nam Định) năm nay đã hơn 80 tuổi nghe tin khánh thành cầu Tân Phong cũng bảo con cháu đưa ra xem. Những tưởng ở cái tuổi “gần đất xa trời” ấy ít ai ngờ cụ lại là người đếm từng ngày tiến độ của cầu Tân Phong. Cụ bảo: “Không nghĩ cầu được làm nhanh đến thế. Lúc đầu cứ nghĩ phải tháng 5/2016 mới hoàn thành thì giờ đã xong trước Tết. Tôi năm nay đã 80 tuổi rồi, được thấy cây cầu mới này thì chắc phải… cố sống thêm nữa để được hàng ngày qua cầu”.

Nói về tiến độ, quả thật cầu Tân Phong đã làm nên một dấu mốc, cả về quá trình chuẩn bị đầu tư lẫn triển khai thi công. Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban QLDA6 nhớ lại, tháng 5/2015, khi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng ý bổ sung công trình này vào danh mục các cầu cần xây dựng thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, đến ngày 14/6/2015 dự án được động thổ xây dựng và chỉ trong 6 tháng cây cầu này đã hoàn thành. “Có lẽ trước đó, không nhiều công trình giao thông có quy mô tương tự được triển khai và hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Thời điểm bắt tay vào thi công cũng là lúc mùa mưa bắt đầu... Tuy nhiên, mong ước sớm có cây cầu của bà con nhân dân chính là mệnh lệnh, thôi thúc các đơn vị, cá nhân tham gia dự án vượt qua những thách thức để hoàn thành công trình”, ông Tuấn Anh cho biết.

8
Cầu Tân Phong

Tìm đúng người giao việc

Theo Phó tổng giám đốc Ban QLDA6 Phạm Ngọc Biên, xác định được mức độ cấp bách và để đạt được tiến độ, chất lượng của dự án nên ngay từ đầu Ban QLDA6 đã chuẩn bị nhân lực theo đúng tinh thần “tìm đúng người giao việc”.

“Chưa ở đâu công tác GPMB cho một dự án lại được họp hàng tuần với sự chủ trì của Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh. Tại các cuộc họp, công việc được kiểm điểm sát sao theo tiến độ và có sự chỉ đạo kịp thời để giải quyết các vướng mắc về thủ tục, trình tự nên đã rút ngắn được thời gian. Chỉ sau hai tháng, công tác GPMB đã hoàn thành tạo điều kiện cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa tư vấn giám sát và nhà thầu dưới sự chỉ đạo, điều phối của Ban QLDA6 nên tiến độ dự án được kiểm soát từng ngày, từng giờ và được điều chỉnh linh hoạt đáp ứng tiến độ chung. Thậm chí các nhà thầu ngoài việc chủ động làm tốt phần việc của mình còn hỗ trợ các đơn vị bạn gặp khó khăn trong quá trình thi công”.

Có một công nghệ khá đặc thù được áp dụng tại công trường này là bệ trụ được thi công bằng phương pháp thùng chụp. Đây là công nghệ chỉ áp dụng ở các dự án cầu lớn, cho các bệ trụ nơi sông sâu. Với những dự án tương tự, đúc hẫng nhịp chính 102 m, bình thường phải thi công khoảng 12 tháng thì tại dự án này chỉ mất 6 tháng. “Ban QLDA đã huy động toàn bộ những thiết bị hiện đại nhất. Số hệ nổi và tàu đẩy trên sông phục vụ thi công luôn thường trực từ 10 - 12 chiếc. Đối với dự án này, sau ngày khởi công, các đơn vị thi công đã bắt tay vào công việc và triển khai rầm rộ với một tinh thần quyết liệt nhất…”, ông Biên cho biết.

Bí quyết dụng mưu thúc tiến độ dự án

Những ngày giáp Tết, khi cầu Tân Phong được khánh thành nhưng cái duyên nợ của ông Phạm Văn Minh, Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (Ban QLDA 6) với cây cầu này vẫn nặng trĩu.

“Mình quê Nam Định và không nghĩ lần đầu tiên về quê làm cầu lại gặp thử thách lớn như vậy”, ông Minh mở đầu câu chuyện. Nói là thử thách nhưng đúng hơn đó là “6 tháng bão táp”. Nhưng đúng là nếu không hội đủ “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” thì chắc chắn không thể làm được như vậy. Chỉ riêng yếu tố “Thiên thời” đã có nhiều điều khó giải thích. Như lúc vừa làm xong bệ trụ thì nước lũ tràn về. Hay như thời gian đúc dầm, nếu mùa đông về đúng lịch như những năm trước thì thời gian chờ bê tông phát triển cường độ sẽ mất rất nhiều thời gian. Thế nhưng năm nay, rét về muộn nên thi công thuận lợi, dầm hộp đúc hẫng nhanh hơn…”.

Khi được hỏi về cảm nhận sau khi công trình này được hoàn thành, ông Biên chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi vui vì công trình hoàn thành sớm giúp việc đi lại của bà con hai bên bờ sông Đào đúng vào dịp chuẩn bị đón Tết Bính Thân. Chúng tôi cũng rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ được Bộ GTVT giao”.

Đối với mỗi công trình xây dựng cầu, việc thi công những trụ cầu giữa sông bao giờ cũng phức tạp nhất và luôn được coi là “chìa khóa” tiến độ. Là đại diện của đơn vị quản lý dự án, muốn tiến độ toàn dự án bảo đảm thì phải ưu tiên cho công tác vận chuyển vật liệu để thi công các trụ cầu. Khi đó, đường tiếp vận cho dự án chỉ có một con đường trong khi có đến 7 nhà thầu cùng chở vật liệu vào. Đơn vị nào cũng muốn làm nhanh nhất nên đường thường xuyên bị ùn tắc. Lúc ấy, lái xe của các nhà thầu lại thấy ông Minh có mặt và yêu cầu phải ưu tiên cho xe của nhà thầu thi công trụ chính. Không ít nhà thầu phản đối cho rằng, Ban QLDA thiên vị. Chỉ sau khi dự án hoàn thành, mọi người mới biết lý do ấy hoàn toàn xuất phát từ những tính toán về tiến độ chung của dự án.

Là người có nhiều kinh nghiệm thi công các dự án cầu phía Nam, ông Minh cũng được coi là người có nhiều “mẹo vặt”. “Cao điểm của dự án cũng chính là mùa mưa bão. Lúc đầu tôi cũng rất lo. Thế rồi nảy ra ý tưởng, lợi dụng thời tiết để thúc tiến độ. Vậy là cứ khi có tin dự báo bão hay áp thấp là Ban QLDA6 lại ra công văn đề nghị các nhà thầu thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ. Nhớ nhất là tầm tháng 9/2015 khi bão số 4 đang về, lúc bão chuyển hướng sang Trung Quốc cũng là thời điểm bệ mố trụ đổ bê tông xong. Thế là việc cứ băng băng”, ông Minh kể.

Rồi vào thời điểm tháng 6 - 7 thời tiết nắng nóng cực độ. Trên công trường có khi lên tới 39 - 40 độ C, sờ vào những thanh thép nóng như chạm vào sắt nung. Là người xuất thân từ nông thôn, ông Minh yêu cầu nấu gạo rang và đậu xanh lấy nước để anh em trên công trường uống thay nước. Nhờ thế mà không ai bị say nắng và tinh thần luôn tỉnh táo…

Cầu Tân Phong nay đã hoàn thành trong sự ngỡ ngàng không chỉ của những người dân Nam Định mà có lẽ đối với cả các cán bộ, kỹ sư, thợ cầu tham gia dự án. Đối với Ban QLDA6, công trình này còn là một dấu ấn khó quên khi đã tạo lập được kỳ tích về tiến độ, chất lượng. Ngày khánh thành cầu Tân Phong, ông Katsuro Nagai, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã bày tỏ sự cảm kích và mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác, hoàn thiện các cây cầu trên toàn quốc thông qua dự án này. Còn ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cũng đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ GTVT và Ban QLDA6 trong quá trình triển khai dự án.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây