Khánh thành 44 cầu, bảo đảm chạy tàu 120 km/h

Thứ ba - 12/01/2016 12:00. Xem: 481
Việc khánh thành 44 cầu giúp đảm bảo tàu chạy 120 km/h, rút ngắn hành trình trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.  
9
Cầu Sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) khánh thành vào ngày 14/1

Ngày mai (14/1) tại cầu đường sắt Sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), Bộ GTVT, Ban QLDA đường sắt sẽ khánh thành toàn bộ dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh vượt tiến độ hơn 8 tháng.

Mừng tàu thông an toàn

Còn nhớ vào trung tuần tháng 5/2015, cầu đường sắt sông Bồ lý trình Km 671 + 400 tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chuyển tuyến từ cầu cũ sang cầu mới và nắn thẳng bán kính cong để nâng tốc độ tàu. Nhưng đối với người dân nơi đây, cầu mới còn có ý nghĩa khác quan trọng hơn, đó là hai đường ngang ở hai đầu cầu đã được xóa bỏ. Thay vào đó là hai hầm chui rộng rãi, an toàn để người dân đi lại.

Cầu sông Bồ là cây cầu thứ 30 trong dự án 44 cầu đường sắt phải thay thế, đã được chuyển tuyến an toàn. Sông Bồ là một trong số ít cầu được thực hiện theo phương pháp làm cầu mới song song với cầu cũ và chuyển tuyến. Các cầu còn lại đều được làm theo phương pháp sàng dầm. Đơn vị thi công sẽ làm cầu mới bên cạnh cầu cũ. Sau đó, kéo cầu cũ ra ngoài bằng hệ thống tời, rồi đẩy cầu mới vào đúng vị trí cầu cũ. Các cầu sông Vệ (Quảng Ngãi), sông La Hai (Phú Yên), cầu sông Dinh (Khánh Hòa) và nhiều cầu khác đều làm theo phương án này.

Ông Đỗ Lê Khang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăng Long đại diện nhà thầu thi công cho biết, đơn vị thi công đã có thể thay cùng lúc 5 đến 6 nhịp cầu để rút ngắn thời gian thi công. Thời gian phong tỏa chỉ khoảng 5 giờ và chỉ phong tỏa 1 lần nên đảm bảo được thời gian thi công và trả đường cho tàu thông qua, không bị xáo trộn biểu đồ chạy tàu.

Vượt tiến độ 8 tháng

Với phương án thi công chuyển tuyến hoặc sàng dầm như trên, lần lượt các cầu của dự án 44 cầu hoàn thành trong điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cứ mỗi cầu được hoàn thành, Ban Quản lý dự án đường sắt, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công lại rút ra kinh nghiệm để những lần sàng dầm sau được chính xác và nhanh hơn.

Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, chỉ trong vòng một năm, 18 cầu và hạng mục của dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đã được hoàn thành, vượt tiến độ khoảng 8 tháng so với hợp đồng.

Dự án 44 cầu do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban QLDA đường sắt là đại diện chủ đầu tư. Dự án sử dụng vốn vay ODA của JICA và nguồn vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư là 37,153 tỷ yên Nhật và 1.054 tỷ đồng vốn đối ứng để khôi phục 44 cầu với tổng chiều dài 6.553m và hơn 45.000m đường sắt hai đầu cầu; cải tạo, làm mới 22 đường ngang; xây mới 3 cầu chui và 24 cống hộp chui dân sinh; nâng cấp, cải tạo, làm mới 15 đường chui dưới cầu; xây mới 2 cầu vượt tại phía Nam ga Ninh Bình và phía Nam cầu Đò Lèn; xây dựng mới ga Ninh Bình...

Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh”, gọi tắt là “Dự án 44 cầu” được Bộ GTVT quyết định đầu tư năm 2004 và được điều chỉnh lần 1 năm 2007 và điều chỉnh lần 2 năm 2012. Mục tiêu nhằm nâng cao an toàn chạy tàu; Nâng cao an toàn cho các hoạt động giao thông khác và dân sinh hai bên đường sắt trong phạm vi dự án; Rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Thực tế, quá trình triển khai dự án gặp vô vàn khó khăn do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, vốn, thiết kế... nên dự án này kéo dài nhiều năm. Chỉ đến khi sáp nhập Ban Quản lý dự án đường sắt và chuyển chủ đầu tư trực thuộc Bộ GTVT, các khó khăn, vướng mắc đó mới được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công, cũng như giải ngân của từng gói thầu.

Giai đoạn từ đầu năm 2015 đến nay, tiến độ dự án được đẩy nhanh với hàng loạt cầu lần lượt được hoàn thành, đưa vào khai thác như: Cầu Trà Bồng, Sông Bồ... và đặc biệt cụm ga Ninh Bình mới và cầu đường sắt Ninh Bình vinh dự được Bộ GTVT gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải”.

Ông Lê Kim Thành cho biết thêm, để đẩy nhanh được tiến độ, Ban Quản lý dự án đã rất sát sao tại công trường. Dựa vào địa hình, điều kiện khí hậu từng mùa trong năm để tổ chức thi công khoa học, hợp lý đảm bảo tiến độ theo kế hoạch và an toàn. “Việc hoàn thành dự án 44 cầu vào đúng thời điểm tháng 1/2016, trước kế hoạch 8 tháng là một hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Xuân Bính Thân 2016”, ông Thành nói và cho biết, sau khi đưa các công trình vào khai thác, dự án sẽ nâng cao an toàn chạy tàu, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu theo thiết kế 120km/h cho tàu khách và 80km/h cho tàu hàng, từ đó rút ngắn hành trình đoàn tàu trên tuyến. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xóa bỏ, đảm bảo an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây