Các trung tâm quản lý điều hành giao thông sẽ thông qua hệ thống camera giám sát để xử lý các trường hợp xảy ra trên đường (Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương) - Ảnh: Linh Hoàng |
Từ năm 2010 đến nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai hàng loạt dự án ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) để quản lý giao thông. Tuy nhiên, các dự án ứng dụng vẫn còn riêng biệt, chưa có sự kết nối và chưa có một tiêu chuẩn chung.
Kỳ 1: Mỗi dự án một công nghệ
Ứng dụng công nghệ giao thông thông minh đã được triển khai ở nhiều dự án giao thông nhưng chưa có sự đồng bộ, thống nhất khi triển khai, dẫn đến không có tiêu chuẩn chung, chưa phát huy hết hiệu quả to lớn của ITS.
Nở rộ ITS
ITS ngày càng được ứng dụng rộng rãi như: Lắp đặt camera quan sát giao thông, các bảng quang điện tử thông báo ùn tắc giao thông, ứng dụng thanh toán phí cầu đường tự động qua ngân hàng... từng bước hiện đại hóa công tác quản lý giao thông, bảo đảm trật tự ATGT. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, ở Việt Nam có ba xu hướng sử dụng công nghệ ITS gồm: Công nghệ Hàn Quốc đầu tư trung tâm ITS phía Nam áp dụng trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; Nhật Bản đang tiến hành đầu tư Trung tâm Điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc; Công nghệ châu Âu do CadPro liên danh với Viện Thiết kế Quảng Tây (Trung Quốc) nghiên cứu phát triển được triển khai lắp đặt trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
"Nhận thức được triển vọng ứng dụng to lớn của ITS, hiện nay đang có hàng loạt đề tài nghiên cứu về ITS được thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, các cấp quản lý nghiên cứu khoa học, vì thế dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo giữa các loại công nghệ”. TS. Nguyễn Hữu Đức |
Cùng đó, các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh cũng triển khai xây dựng hệ thống giám sát, điều hành giao thông. Các dự án này sử dụng hệ thống camera giám sát, trung tâm điều khiển giao thông, hệ thống radio để thu thập thông tin, điều hành giao thông và cung cấp thông tin cho người sử dụng. Ngoài ra, trong lĩnh vực giao thông công cộng, việc ứng dụng ITS cũng bắt đầu được triển khai thông qua hệ thống biển báo điện tử cung cấp thông tin về khoảng cách xe đến trạm dừng cho hành khách…
Về hiệu quả khi áp dụng hệ thống ITS, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, ITS giúp nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng, nhất là trong việc thu phí đường bộ. “ITS cũng giúp chúng ta có thông tin minh bạch, đầy đủ và giám sát được nguồn thu phí. Ví dụ như một dự án, dự toán ban đầu là thu phí 20 năm vì tính lưu lượng xe chỉ có 1.200 xe/giờ nhưng nếu áp dụng thu phí không dừng, sẽ tính toán được chính xác lưu lượng và nếu thấy thực tế là 1.800 xe/giờ, rõ ràng thời gian thu phí phải giảm xuống”, ông Hùng dẫn giải.
Cùng với việc mở rộng nhiều phương tiện thông minh như cao tốc, metro,... Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện mô hình giao thông thông minh. Đây cũng là cơ hội lớn, đồng thời cũng là thách thức để các doanh nghiệp cùng nhau chung tay cho một hạ tầng giao thông thuận lợi của đất nước.
Hệ thống biển báo tự động trên cao tốc TP HCM - Trung Lương giúp tài xế dễ quan sát cả ngày và đêm - Ảnh: Phan Tư |
Vẫn thiếu kết nối tổng thể
Khác biệt lớn nhất của các hệ thống ITS chính là công nghệ thu phí đường bộ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chỉ có ba tuyến cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Sài Gòn - Trung Lương và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ITS. Tuy nhiên, hệ thống ITS trên ba tuyến cao tốc này lại đang được áp dụng theo những công nghệ khác nhau, đặc biệt là công nghệ thu phí. Trong khi hai tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Sài Gòn - Trung Lương đang dùng công nghệ thu phí RFID của Đài Loan, tuyến TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây lại dùng công nghệ thu phí OBU của Nhật Bản.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT cho biết, nếu hai công nghệ này sử dụng song song sẽ rất phức tạp cho cơ quan quản lý và người sử dụng. Khi đó người sử dụng muốn chạy trên toàn quốc đồng thời phải sử dụng cả hai công nghệ. “Điều này rất bất tiện khi người sử dụng phải lắp đặt nhiều thiết bị của hai công nghệ khác nhau trên cùng một chiếc xe ô tô. Đối với cơ quan quản lý, sẽ khó quản lý kết nối liên thông dữ liệu để quản lý tập trung”, ông Thắng nói và lấy ví dụ khi sử dụng điện thoại, có loại sử dụng hệ điều hành IOS, có loại sử dụng hệ điều hành Android và Windowphone. Để có một ứng dụng kết nối chạy cả trên ba hệ điều hành này sẽ rất phức tạp.
“Tương tự như vậy nếu có một Trung tâm Điều hành ITS làm vai trò tích hợp các công nghệ khác nhau, cơ quan quản lý phải “đặt hàng” viết phần mềm ứng dụng cho từng công nghệ, khi đó kinh phí phải nhân lên hai lần”, ông Thắng khẳng định.
Vì thế đến thời điểm này, sau khi được sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ GTVT đã thống nhất chuyển đổi dần công nghệ OBU trên tuyến Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sang công nghệ RFID để đảm bảo sự thống nhất áp dụng một loại công nghệ thu phí tự động trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
“Hiện, nhiều công nghệ về ITS có nguồn gốc từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, mỗi nước lại có đặc thù công nghệ riêng. Điều kiện tiên quyết để tích hợp được ITS là giữa các hệ thống giao tiếp phải “hiểu” được nhau, phải đảm bảo các tiêu chuẩn, các chuẩn kết nối dữ liệu. Theo cơ chế thị trường, cơ quan quản lý nhà nước không muốn “đóng khung” một công nghệ nhất định. Tuy nhiên, đã đến lúc cần lựa chọn công nghệ chung cho Việt Nam. Nếu có một hệ điều hành chung hay một tiêu chuẩn kiến trúc ITS chung, sẽ thuận lợi cho người sử dụng”, ông Thắng phân tích thêm.
Nguồn: atgt.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện