Cần một tiêu chuẩn chung để đồng bộ quản lý ITS

Thứ tư - 13/01/2016 12:00. Xem: 79
Việc đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) sẽ rất đắt đỏ, tốn kém, nếu không có kế hoạch dài hơi, kết nối các dự án với nhau, rất khó phát huy hiệu quả.    
13
Khi hầm Thủ Thiêm bị ùn tắc, thông tin sẽ chuyển về trung tâm ITS để các lái xe trên cao tốc TP HCM - Trung Lương lựa chọn hướng đi khác - Ảnh: Lã Anh

Tích hợp tất cả công nghệ ITS

Hệ thống ITS tại Việt Nam chưa có được một khung tiêu chuẩn chung. Điều này khiến các tuyến cao tốc dù được đầu tư hệ thống ITS, nhưng mỗi dự án lại phải ban hành một khung tiêu chuẩn riêng. Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN), cần ban hành một tiêu chuẩn chung để đồng bộ quản lý ITS.

Thời gian tới, hệ thống ITS tại Việt Nam sẽ xây dựng các Trung tâm Tuyến và Trung tâm Điều hành, tích hợp ITS theo khu vực. Trung tâm ITS đường cao tốc TP HCM - Trung Lương là hệ thống ITS đầu tiên ở khu vực phía Nam được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015. Nhật Bản cũng đang tiến hành đầu tư Trung tâm Điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc, trong đó sẽ nghiên cứu riêng một dự án nhỏ chỉ để tích hợp các công nghệ ITS ở Việt Nam, dự kiến sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 2/2016.

"ITS cần phát triển theo một kiến trúc tổng thể chung, vì đó là nền tảng để đảm bảo khả năng tích hợp, khả năng tương thích của hệ thống ở cấp quốc gia và hỗ trợ việc lập kế hoạch, thiết kế, ngăn chặn khả năng chồng chéo dịch vụ”.

KS. La Văn Ngọ
Viện Khoa học Công nghệ GTVT

“Trung tâm điều hành giao thông cao tốc khu vực phía Bắc sẽ quản lý tất cả các tuyến trong phạm vi 1.000 km. Trung tâm khu vực này sẽ mở ra một “cổng” hay “bộ chuyển đổi dữ liệu” cho các trung tâm điều hành giao thông tuyến kết nối”, ông Hưng cho biết thêm.

Đối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, ông Phạm Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, cuối năm 2016, hệ thống ITS mới hoàn thành. Khi được hỏi liệu công nghệ của hệ thống ITS ở các tuyến đường cao tốc có kết nối được với nhau để phối hợp xử lý, giám sát chung hoạt động giao thông liên vùng hay không? Ông Quang cho biết, các dự án sử dụng công nghệ của các nước khác nhau, nhưng ở phía Nam chủ yếu là công nghệ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Về cơ bản, công nghệ của hai nước này tương đồng nhau nên việc kết nối không có gì khó khăn. Ngay cả một số điểm như: Đường Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm, hệ thống camera do Công ty Tiên Phong lắp đặt nhưng sử dụng công nghệ của Nhật Bản nên việc kết nối cũng dễ dàng.

Còn theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN), Trung tâm Điều hành cao tốc TP HCM - Trung Lương được đầu tư để trở thành một Trung tâm ITS liên vùng cho các tuyến đường cao tốc ở khu vực phía Nam. Sau khi hệ thống ITS của cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành được đầu tư hoàn thiện sẽ có sự kết nối với nhau. Dự án đã tính toán đến công nghệ để đầu tư tương đồng nên việc kết nối sẽ thuận lợi.

“Trước mắt, Cục Quản lý Đường bộ cao tốc sẽ làm việc với một số đơn vị như hầm Thủ Thiêm để kết nối hệ thống ITS. Chẳng hạn khi tuyến đường Võ Văn Kiệt, hầm Thủ Thiêm có sự cố giao thông gây ùn tắc, thông tin sẽ được chuyển về Trung tâm ITS để thông báo trên hệ thống biển báo tự động trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, trên cơ sở đó tài xế có thể lựa chọn hướng - tuyến thay thế phù hợp để đi”, ông Tuấn cho biết.

Tiếp thu kiến trúc tổng thể có sẵn

Chia sẻ về vấn đề kết nối cho ITS, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện Việt Nam chưa có kiến trúc tổng thể chung. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu, dẫn đến các dự án ITS tại Việt Nam đang áp dụng công nghệ khác nhau. “Trong quá trình phát triển, tiêu chuẩn có thể thay đổi, nhưng chúng ta phải có khung kiến trúc ban đầu, nếu không mỗi doanh nghiệp, nhà cung cấp lại đưa ra một tiêu chuẩn, công nghệ khác nhau sẽ khó để xây dựng một hệ thống chuẩn chung”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, nếu không có một kiến trúc chung, khó xây dựng được thể chế. Nghị quyết 36a của Chính phủ về thuê dịch vụ công nghệ thông tin là một ví dụ. “Vấn đề chính ở đây là các cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu, các trường đại học, chuyên gia cần tham mưu để xây dựng kiến trúc cũng như xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về ITS”, ông Hùng phân tích thêm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT cho rằng, việc thống nhất tiêu chuẩn kiến trúc ban đầu cho hệ thống ITS là rất quan trọng. Hiện nay, chuẩn quốc tế đang có rất nhiều, nhưng áp dụng vào Việt Nam phải phù hợp với đặc thù giao thông của Việt Nam. Các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có khung tiêu chuẩn kiến trúc quốc gia của họ về ITS. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia dự án của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ thêm, hiện nay trên thế giới có rất nhiều kiến trúc ITS tốt. Vì thế, Việt Nam hay các nước đang phát triển không cần thiết phải tự xây dựng kiến trúc ITS riêng. Việc tiếp nhận một kiến trúc có sẵn và từng bước điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu sẽ nhanh và đỡ tốn kém hơn.

Còn theo đại diện Vụ KHCN (Bộ GTVT), tiêu chuẩn về kiến trúc ITS hiện đang được triển khai xây dựng theo nguyên tắc phân theo dịch vụ và các tuyến trong khu vực. Tại Việt Nam, các tuyến cao tốc được đầu tư ở các giai đoạn khác nhau, bằng các nguồn vốn khác nhau với các nhà đầu tư khác nhau. Vì vậy, sẽ có những hệ thống ITS được đầu tư ở những giai đoạn khác nhau, mỗi hệ thống sẽ được phân vùng, mỗi tuyến sẽ do một nhà quản lý vận hành khai thác. Như vậy sẽ phải có một trung tâm khu vực để tích hợp dữ liệu của các tuyến này để quản lý tập trung.

Nguồn: atgt.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây