Thử tải thành công cọc khoan nhồi. |
Ở dự án xây dựng cầu Nhật Lệ 2, cầu dây văng độc nhất tỉnh Quảng Bình, chủ đầu tư là Sở GTVT và các nhà thầu đã có những sáng tạo mang tính đột phá, vừa giúp kéo giảm thời gian thi công, vừa tiết kiệm được kinh phí xây dựng. Cầu Nhật Lệ 2khi hoàn thành sẽ xóa thế ốc đảo, tạo đà phát triển kinh tế cho một vùng rộng lớn của xã Bảo Ninh, thúc đẩy phát triển du lịch khu vực phía Đông TP Đồng Hới.
Công trình nghìn tỷ, tô đẹp thành phố biển
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Nhật Lệ 2, TP Đồng Hới được xác định là công trình trọng điểm, dấu ấn kể từ khi tái lập tỉnh đến nay cũng như trong thời kỳ đổi mới, nhằm khai thác thế mạnh phát triển du lịch và quỹ đất của tỉnh về phía Đông TP Đồng Hới. Bên cạnh dự án mở rộng, nâng cấp QL1, đây còn là công trình trong quy hoạch nâng cấp đô thị giai đoạn 2010 - 2020.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Quý, Phó giám đốc Ban QLDA, đại diện chủ đầu tư cho biết: Dự án cầu Nhật Lệ 2 gồm ba gói thầu xây lắp chính: Đường dẫn hai đầu cầu do Công ty CP Tập đoàn Sơn Hải thi công; Phần cầu dẫn do Công ty CP Đầu tư và XDTH Miền Trung; Xây lắp phần cầu chính do Liên danh Công ty CP Cầu 12 - CIENCO1 và Công ty CP Tổng công ty Công trình Đường sắt đảm nhiệm. Dự án được khởi công tháng 8/2012 với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng, hiện các nhà thầu đã thi công xong hạng mục vượt lũ dưới sông - phần khó thi công nhất trong các dự án cầu.
Trong số các hạng mục của dự án, phức tạp nhất là phần cầu chính được thiết kế theo công nghệ cầu dây văng hai nhịp đối xứng, chiều dài mỗi nhịp 150 m, hệ dây văng bố trí theo hình rẻ quạt; Tháp cầu dạng chữ A bằng BTCT 45MPa, chiều cao tháp cầu 97,5 m tính từ đỉnh bệ trụ. “Điều đặc biệt ở dự án Cầu Nhật Lệ 2 chính là cầu dây văng nhịp đối xứng có tính chất kỹ thuật phức tạp, áp dụng các công nghệ thi công tiên tiến và là cầu dây văng thứ hai của Việt Nam (sau cầu Rạch Miễu) mà các thành phần tham gia từ thiết kế, thi công, quản lý dự án, tư vấn giám sát hoàn toàn sử dụng nội lực trong nước”, kỹ sư Quý cho hay.
Để quản lý chất lượng một công trình có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, ngay từ khi dự án được triển khai, Sở GTVT Quảng Bình đã chủ động nhiều phương pháp quản lý chất lượng gắt gao.
Ngoài việc lựa chọn những nhà thầu có kinh nghiệm, Sở GTVT còn chủ động thuê Tư vấn thẩm tra độc lập có năng lực, chuyên môn cao để thẩm tra hồ sơ đầu vào ở các bước thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; Hợp đồng với Công ty tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm thuộc TEDI để giám sát thi công phần cầu chính. Sở GTVT Quảng Bình còn hợp đồng với tư vấn kiểm định độc lập để song hành cùng chủ đầu tư giám sát ngược TVGS và nghiệm thu chất lượng các hạng mục nhà thầu đã hoàn thành giống như đã triển khai tại dự án nâng cấp QL1 qua Quảng Bình.
Nhờ cách quản lý giám sát chặt chẽ này mà từ khi thi công tới nay, tất cả các hạng mục đã thi công và nghiệm thu đều đảm bảo chất lượng qua hai đợt kiểm tra hiện trường của tư vấn kiểm định độc lập.
Và sáng tạo đột phá
Tại dự án này, Sở GTVT Quảng Bình và các nhà thầu đã chủ động áp dụng nhiều công nghệ thi công mới, hiện đại, đồng thời có những sáng tạo riêng mang tính đột phá, góp phần tiết kiệm nguồn vốn, giảm thời gian thi công. Tiêu biểu như hai sáng kiến: Thay đổi cách thử tải cọc khoan nhồi và di chuyển hệ ván khuôn leo qua vị trí chuyển hướng của trụ tháp T4.
Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Bình Trần Văn Luận cho biết: “Theo thiết kế để thử tải cọc khoan nhồi trụ T4 - cọc đường kính 2 m, sâu 75 m sử dụng phương pháp chất tải tĩnh trên sông, khối lượng chất tải đạt 2.250 tấn. Nếu sử dụng phương pháp xếp bê tông chất tải thông thường thì nhà thầu phải huy động một khối lượng bê tông vô cùng đồ sộ, đồng thời phải xây dựng biện pháp đảm bảo giao thông thủy nhằm tránh các rủi ro.
Kết cấu chính của một hệ ván khuôn leo là 39 tấn, chiều cao xe leo là 8,9 m, chiều rộng 5,5 m và dài 8,2 m, sử dụng bốn kích cho một hệ ván khuôn leo với lực đẩy tối đa cho một kích là 30,66 tấn. Thép chế tạo theo tiêu chuẩn ASTM-A36. Với tính toán trong quá trình lập biện pháp thi công, thời gian rút ngắn tiến độ do việc tháo và lắp lại hệ ván khuôn leo, thi công đoạn tháp chuyển hướng là 62 ngày, tiết kiệm được 1,4 tỷ đồng. |
Việc này vừa tốn kém vừa gây nguy cơ mất an toàn lao động, ATGT đường thủy. Vì vậy, Sở cùng với nhà thầu có sáng kiến áp dụng phương án thử tải bằng cách dùng các cọc khoan nhồi trong bệ trụ làm cọc neo đối trọng. Sau đó, gắn tổ hợp dầm thép lên trên rồi dùng kích đẩy tạo phản lực xuống cọc cần thử tải, cách làm này đã mang lại thành công ngoài mong đợi”.
Tháng 3/2014, sáng kiến kiểm tra sức chịu tải cọc khoan nhồi bằng phương pháp tải trọng tĩnh ép dọc trục sử dụng cọc trong móng làm cọc neo hệ phản lực của Sở GTVT Quảng Bình đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, Bộ Xây dựng kiểm tra, đánh giá và chứng kiến thí nghiệm tại hiện trường. Hiện nay, phương pháp này được công nhận là sáng kiến khoa học mới có khả năng thay thế các phương pháp thử tải cọc khoan nhồi đang áp dụng ở Việt Nam.
Nếu so sánh với phương pháp thử tải Osterberg của Mỹ (đang được áp dụng rộng rãi trong thi công các công trình cầu ở Việt Nam), thì phương pháp neo cọc nén tĩnh giúp giảm chi phí tới 400 triệu đồng đối với một lần thử tải cho một cọc có tính chất tương tự, giảm thời gian thi công tới một tháng.Không chỉ có sáng kiến trong thử tải cọc khoan nhồi mà ngay trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu đã phối hợp thực hiện sáng kiến đột phá khác giúp giảm thời gian thi công dự án.
Tại cuộc họp giao ban sản xuất của công ty, với sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Ngô Bá Toản, Công ty CP Cầu 12 - CIENCO1 phải xây dựng được biện pháp di chuyển hệ ván khuôn leo qua đoạn chuyển hướng tháp cầu để rút ngắn tiến độ thi công, giảm chi phí và đảm bảo an toàn.
Tại công trường thi công trụ tháp T4 giữa sông, kỹ sư Nguyễn Văn Khuê, Đội trưởng Đội thi công Công ty CP Cầu 12 - CIENCO1 chia sẻ: “Quá trình thi công trụ tháp chữ A ở các dự án cầu trước, mỗi khi chuyển cua (di chuyển hệ ván khuôn leo làm ván khuôn qua vị trí chuyển hướng - PV) thì nhà thầu phải tháo dỡ toàn bộ hệ ván khuôn leo, sau đó lắp lại vào vị trí mới rất tốn thời gian, làm tăng nguy cơ mất an toàn do việc tháo lắp thực hiện ở trên cao.
Ở dự án này, chúng tôi đã có sáng kiến và áp dụng thành công việc di chuyển hệ ván khuôn leo qua góc tù 169 độ bằng phương pháp trượt neo trên ray cong chuyển tiếp kết hợp kích đẩy 4 góc, từ từ đưa hệ xe leo qua góc chuyển hướng tới vị trí mới để tiếp tục thi công các đoạn thân tháp còn lại. Việc di chuyển xe leo thi công tháp cầu với góc chuyển hướng (góc tù 169 độ) là công nghệ được áp dụng đầu tiên trên thế giới. Sáng kiến này đã được chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đánh giá rất cao”.
“Việc thi công dầm cầu chính dây văng là một công nghệ thi công phức tạp trên thế giới, Công ty cổ phần Cầu 12 – Cienco 1 trực tiếp thiết kế và thi công, chi tiết quá trình thực hiện sẽ được trình bày khi thi công xong dầm chính dây văng” – ông Khuê cho biết thêm. Hiện tại, các nhà thầu cũng đã hoàn thành 90% khối lượng thi công trụ tháp chính của cầu Nhật Lệ 2 và nếu được bố trí đủ vốn dự kiến chỉ cuối năm 2016 dầm cầu chính dây văng có thể hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện