Nhiều doanh nghiệp có cơ hội tham gia bảo trì đường bộ thông qua đấu thầu |
Công tác quản lý, bảo trì đường bộ đã được tách bạch ra khỏi chức năng quản lý Nhà nước. Các công ty quản lý bảo trì quốc lộ không còn “độc quyền” trong lĩnh vực này và phải tham gia đấu thầu bình đẳng với nhà thầu khác.
Tổng cục Đường bộ VN không còn doanh nghiệp bảo trì
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trước đây các công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 100% vốn nhà nước thực hiện bảo trì theo giao kế hoạch hàng năm. Dựa trên cơ sở định mức cho một km đường nhân với tổng số km đường sẽ ra số tiền đơn vị đó nhận được hàng năm. Ví dụ, định mức để quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cho 1 km đường là 50 triệu đồng/năm, công ty quản lý 300 km, hàng năm sẽ nhận được 15 tỷ đồng sau khi đã hoàn thành khối lượng tương ứng và được nghiệm thu đánh giá chất lượng bảo dưỡng mỗi quý một lần.
Quan hệ giữa các công ty quản lý sửa chữa đường bộ với các Khu QLĐB là cấp trên cấp dưới nên có nhiều hạn chế. Với cách làm đó, các công ty mặc nhiên coi tuyến đường mình quản lý là của riêng, hình thức đặt hàng làm cho các đơn vị này không chịu đổi mới, không tích cực chủ động trong sản xuất vì công việc luôn được đảm bảo. Vì vậy theo ông Điệp, Đề án “đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ” đã có nhiều giải pháp tách bạch dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trì đường bộ cũng thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch cho các đơn vị quản lý, bảo trì công trình đường bộ theo quy định.
“Việc tiếp tục duy trì các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bảo trì hệ thống đường bộ trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN không còn phù hợp. Do đó, 22 công ty quản lý, sửa chữa đường bộ 100% vốn nhà nước mà Tổng cục quản lý đã được Bộ GTVT chuyển về các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco), được cổ phần hóa và hoạt động như một nhà thầu đơn thuần. Như vậy, Tổng cục Đường bộ VN không còn các doanh nghiệp quản lý, sửa chữa đường bộ nữa, mà chỉ làm nhiệm vụ quản nhà nước về đường bộ”, ông Điệp nói.
Không còn độc quyền bảo trì
Cũng theo ông Điệp, từ cuối năm 2014, Tổng cục đã triển khai đấu thầu tất cả các tuyến theo Đề án đổi mới công tác bảo trì theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT. Đến nay, công tác này cơ bản hoàn thành. Phần lớn các đơn vị đã tổ chức đấu thầu thành công, giá trúng thầu giảm từ 5-10%, thậm chí đến 30%, tỷ lệ tiết kiệm đáng kể so với giá gói thầu đưa ra. Ngoài việc tiết kiệm, nhiều nhà thầu mới có năng lực, vốn và quản trị tốt hơn đã trúng thầu thay các đơn vị quản lý bảo trì truyền thống.
"Việc cung ứng dịch vụ công ích về bảo trì đường bộ đã được xã hội hóa đấu thầu cạnh tranh công khai. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo trì quốc lộ đã có những thay đổi cơ bản. Các đơn vị cung cấp dịch vụ đã tách ra khỏi cơ cấu tổ chức của Tổng cục, mối quan hệ giữa Tổng cục với các đơn vị này dựa trên cơ sở hợp đồng kinh tế”. Ông Nguyễn Văn Huyện |
“Những công việc như: tuần đường, bảo dưỡng sửa chữa, trực bão lũ... trở thành dịch vụ công ích để tổ chức đấu thầu, các nhà thầu được bình đẳng tham dự thầu. Cơ quan nhà nước (cục, chi cục) chỉ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu, kiểm soát tải trọng xe, nghiệm thu cho nhà thầu”, ông Điệp cho biết thêm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết, trong tổng số 16 gói thầu bảo dưỡng thường xuyên của Cục được đưa ra đấu thầu, đã thu hút 90 nhà thầu tham gia. Qua đấu thầu, có 6 nhà thầu tư nhân trúng thầu, chiếm tỷ lệ 40%. Trong đấu thầu có sự cạnh tranh về giá cả, vì có nhà thầu có máy móc thiết bị hiện đại nên giảm được giá thành, có nhà thầu giảm tới 20% giá trị gói thầu.
Là đơn vị tư nhân trúng thầu quản lý, bảo trì tuyến đường Nam Sông Hậu dài 147 km, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàng Lộc cho biết: “Trước kia, công tác bảo trì đường bộ do các công ty nhà nước được giao nhiệm vụ nên đơn vị tư nhân như chúng tôi hầu như không có cơ hội tham gia. Vì vậy, khi trúng thầu, chúng tôi xác định, để con đường có chất lượng bền vững, ngoài việc đầu tư về nhân lực, máy móc thiết bị hiện đại cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo cho tuyến đường được êm thuận”.
Cùng quan điểm, ông Lữ Bảo Kiếm, Giám đốc Công ty CP 224 (trước đây là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa đường bộ 224) cho biết, nhận thức rõ chủ trương xã hội hóa công tác bảo trì, nhà thầu tham gia bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường bộ phải đáp ứng đủ phương tiện, kỹ thuật và con người cần thiết. Sau khi chuyển về Cienco 1 và được cổ phần hóa, đơn vị đã đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ nên có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo trì đường bộ.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện