Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh: Khánh Linh |
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành giai đoạn 1 và tiến hành thu phí từ ngày 6/10. Có ý kiến cho rằng, mức phí của dự án này cao so với một số dự án khác, dù mức vốn đầu tư giai đoạn 1 thấp hơn. Báo Giao thông đã trao đổi với các cơ quan chức năng làm rõ cơ sở thu phí ở dự án này.
Thời gian thu phí có thể sẽ ngắn hơn
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam Thủ đô kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Nam và khu vực lân cận. Trước năm 2013, tuyến đường có tốc độ khai thác rất thấp. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với chủ trương của Bộ GTVT là kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao dự án cho nhà thầu là công ty Nexco Central của Nhật Bản. Dự án khi đó được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 nâng cấp để đạt chuẩn đường cao tốc. Giai đoạn 2 mở rộng lên 6 làn xe. Cả hai giai đoạn khi đó được tính tổng mức đầu tư xấp xỉ 8,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.957 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 6.518 tỷ đồng. Thời gian kinh doanh, chuyển giao công trình là 24,5 năm.
Tuy nhiên, sau khi tính toán, Nexco Central đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ toàn bộ chi phí GPMB, không ràng buộc thực hiện giai đoạn 2 (mở rộng 6 làn xe). Đề nghị này không được chấp thuận do không phù hợp với các tiêu chí và hiệu quả của dự án. Khi đó, phía Việt Nam đã đề nghị Nexco Central rút ngắn thời gian và đáp ứng các yêu cầu. Do vậy, Nexco Central không thực hiện dự án.
"Phải nói rõ đây là thu phí để nâng cấp mặt đường chứ không phải nâng cấp cả con đường, phải công khai xem trước đây đơn vị của Nhật xin đầu tư là bao nhiêu, nhà đầu tư trong nước làm giảm bao nhiêu, tổng mức đầu tư bao nhiêu, thực tế làm là bao nhiêu, công khai hết để người dân hiểu”. Bộ trưởng Đinh La Thăng |
Khi nhà đầu tư Nhật Bản rút lui, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư trong nước để triển khai dự án. Sau khi xem xét, nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu đề ra, được lựa chọn là Liên danh Cienco1 - Minh Phát - Phương Thành. Tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn chỉ là 6.731 tỷ đồng (thấp hơn gần 2 nghìn tỷ - PV), trong đó giai đoạn 1 là 1.974 tỷ đồng để nâng cấp lên đường cao tốc. Sau khi hoàn thành sẽ thực hiện giai đoạn 2 ngay với mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng.
“Việc thu phí hiện nay là để hoàn vốn giai đoạn 1, nâng cấp lên đường cao tốc và sau này sẽ thu phí giai đoạn 2 để hoàn vốn việc đầu tư mở rộng lên 6 làn xe. Vì vậy, việc tính toán thu phí dựa trên cơ sở tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn. Theo hợp đồng, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, nhà đầu tư sẽ được thu phí ngay. Dự kiến, ban đầu tổng thời gian thu phí tạm tính là 17 năm 3 tháng (giảm 7 năm 3 tháng so với đề xuất của Nexco). Tuy nhiên, hiện Bộ GTVT đang tính toán để hoàn chỉnh việc quyết toán giai đoạn 1. Phải đến khi hoàn thành xong cả hai giai đoạn, trên cơ sở chi phí đầu tư thực tế mới tính toán được thời gian thu phí của toàn bộ dự án. Đến nay, trên cơ sở dự án không vượt tổng mức đầu tư, chắc chắn thời gian thu phí sẽ rút ngắn lại so với thời gian tạm tính vì quỹ dự phòng khá lớn”, Thứ trưởng Trường cho biết.
Áp dụng mức phí cho cả hai giai đoạn
Trao đổi với Báo giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin (đại diện Liên danh nhà đầu tư) cho biết, mức phí của tuyến đường nằm trong phương án tài chính của dự án và tuân thủ đúng theo các quy định hiện hành đã được các cơ quan liên ngành gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Hà Nam thống nhất.
Theo ông Khôi, mức thu phí của tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ được áp dụng theo Thông tư 45 của Bộ Tài chính ban hành ngày 7/4/2015. Sở dĩ có mức phí như hiện nay là do trước đây, giai đoạn 2 của dự án được dự kiến triển khai xây dựng sau năm 2018. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giai đoạn 1 tiến độ đã được đẩy nhanh, hoàn thành sớm 6 tháng nên nhà đầu tư đã đề xuất Bộ GTVT triển khai xây dựng giai đoạn 2 ngay từ tháng 11 tới và mức thu phí của tuyến đường được áp dụng cho cả hai giai đoạn nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án, quyền lợi của nhà nước và người tham gia giao thông.
“Nhà đầu tư đang tiến hành công tác GPMB để thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Dự kiến, chúng tôi sẽ hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2017. Trước mắt, thời gian hoàn vốn của dự án mới chỉ là tạm tính, phải chờ đến khi tiến hành quyết toán công trình cả hai giai đoạn, thời gian thu phí chính thức của dự án mới được các cơ quan chức năng và nhà đầu tư chốt lại”.
Thông tư 45 quy định về mức thu phí của tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đối với từng đoạn tuyến và từng loại xe như sau: đoạn tuyến có mức phí thấp nhất là Vạn Điểm - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại là 10 nghìn đồng/lượt (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng); đoạn tuyến có mức thu phí cao nhất là Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại là 180 nghìn đồng/lượt (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet). Theo quy định hiện hành, Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính nêu rõ, khung thu phí đường bộ dao động từ 15-200 nghìn đồng/vé lượt tùy phương tiện. |
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện