Hạ tầng giao thông đang được quan tâm đầu tư để tạo đà cho kinh tế phát triển |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết như trên, khi trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016 tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khai mạc sáng qua (12/10).
Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ
Trước đó, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết, năm 2015, nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét. Tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Tính 9 tháng đầu năm, GDP đạt 6,5% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước. Dự kiến 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo nghị quyết của Quốc hội.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, dù gặp nhiều tác động song tình hình KT-XH nước ta đã có chuyển biến tích cực, hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được mở rộng. Bên cạnh kết quả tích cực, một số ý kiến cho rằng, việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững, nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân. “Về thực hiện ba đột phá chiến lược, chúng ta đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ có chuyển biến rõ nét: Hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể, đã đầu tư các trục giao thông chính như cải tạo mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, các tuyến đường cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, một số sân bay được mở rộng, nâng cấp hiện đại…”, ông Giàu cho biết.
Bán cổ phần Nhà nước bù hụt thu ngân sách
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,2%), tổng thu NSNN ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so với dự toán) là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, một số khoản chi NSNN vượt dự toán, chi tiêu chưa thực sự tiết kiệm triệt để.
Nhất trí với phương án sử dụng một phần tiền bán bớt cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp (khoảng 10 nghìn tỷ đồng) để góp phần xử lý hụt thu ngân sách T.Ư của Chính phủ, ông Hiển cũng cơ bản tán thành nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần điều hành các chính sách kinh tế linh hoạt hơn; có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với Trung Quốc; xử lý hiệu quả nợ xấu; kiểm soát chặt chẽ nợ công…
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, cần quan tâm hơn đến vấn đề hội nhập kinh tế, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán. “Trong thời gian tới chúng ta phải đưa ra những giải pháp cụ thể, phải đẩy mạnh sản xuất trong nước, nếu không nước ngoài sẽ lợi dụng TPP dựa vào sản xuất của nước ta để hưởng lợi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện