Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra hiện trường
công tác khắc phục hằn lún tại dự án QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu
Nỗ lực tối đa
Tại dự án QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó tổng Giám đốc Ban QLDA1 cho biết, hiện nay, các nhà thầu trên tuyến đã tiến hành cào bóc tất cả các vị trí có hiện tượng HLVBX và cho sửa chữa lại bằng hai loại bê tông nhựa sử dụng phụ gia SBS và bê tông nhựa đường polymer. Cụ thể, gói thầu số 5 của dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển Đô thị và Tổng công ty Công trình giao thông 1 Thanh Hóa thi công đã tiến hành thảm lại bằng bê tông nhựa polymer với khối lượng khoảng 12.530m2 những vị trí bị hằn lún.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin), nhà thầu tại gói thầu số 9 cũng đã tiến hành cào bóc và thảm lại bằng bê tông nhựa sử dụng phụ gia SBS với khối lượng hơn 24 nghìn m2. Hiện tại, gói thầu này còn khoảng 100 m dài bị hằn lún với độ sâu trên 2,5cm nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục do người dân cản trở thi công.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin khẳng định: “Chỉ cần có mặt bằng thi công, chúng tôi sẽ hoàn tất công tác sửa chữa, khắc phục trong hai ngày”.
Liên quan đến những đoạn tuyến đã bàn giao chính thức cho Tổng cục Đường bộ VN quản lý, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu đơn vị này phải rà soát thường xuyên để phát hiện những vị trí hằn lún, nhằm có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ VN cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến đường. |
Ghi nhận hiện trường tại dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Km 562+000 - Km 589+600, tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, các nhà thầu đã tích cực tiến hành cào bóc tạo phẳng, đảm bảo ATGT các vị trí bị hằn lún.
Theo ông Nguyễn Hữu Long, Tổng Giám đốc Ban QLDA ATGT (đại diện chủ đầu tư), riêng gói thầu số 10 (từ Km 562+000 - Km 589+600), doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã thực hiện cào bóc với diện tích khoảng 10 nghìn m2.
Còn tại gói thầu số 9 đoạn Km 556+000 - Km 562+000, liên danh Đại Hiệp - Hoàng Thiên đang triển khai khắc phục tình trạng HLVBX với khối lượng khoảng 4.600 m2 thời gian dự kiến hoàn thành trước 15/9. “Với những vị trí hằn lún có chiều sâu dưới 2,5cm các nhà thầu đã tiến hành cào bóc để tạo phẳng phần bê tông nhựa bị trồi lên và theo dõi diễn biến tiếp theo của vệt hằn. Khi chiều sâu vượt quá mức cho phép, chúng tôi sẽ chỉ đạo các nhà thầu khắc phục xử lý ngay để đảm bảo chất lượng công trình và ATGT trên tuyến”, đại diện chủ đầu tư báo cáo với Tổ đặc nhiệm.
Trong khi đó, tại công trình mở rộng QL1 đoạn Km 597+549 - Km 605+000 và đoạn Km 617+000 - Km 641+000, tỉnh Quảng Bình theo hình thức BOT cũng xuất hiện tình trạng hằn lún mặt đường sau thời gian ngắn nghiệm thu hoàn thành và đưa vào khai thác (tháng 6/2015) với chiều dài hằn lún khoảng 8 km với độ sâu dưới 2,5 cm. Trước mắt, nhà đầu tư cam kết sẽ sửa chữa khắc phục các đoạn hằn lún có chiều sâu từ 2,5 cm trở lên nếu có xuất hiện.
Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tasco Quảng Bình (nhà đầu tư) cho biết, đơn vị đã thuê tư vấn là Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Đại học Xây dựng nghiên cứu, thiết kế và thi công thử nghiệm hỗn hợp bê tông nhựa tối ưu có khả năng chống HLVBX. “Sau khi có kết quả thiết kế cấp phối và thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ tiến hành sửa chữa đồng bộ tất cả các vị trí hư hỏng”, ông Dưỡng cho hay.
Những đoạn đã hỏng không để lặp lại
Sau khi trực tiếp thị sát và kiểm tra các dự án trên tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá công tác triển khai xử lý, khắc phục tình trạng hằn lún mặt đường của các Ban QLDA, nhà đầu tư, nhà thầu cơ bản theo đúng chỉ dẫn của Bộ GTVT trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Đặc biệt, nhận thức về trách nhiệm của các đơn vị đối với việc khắc phục, sửa chữa được nâng lên. Các đơn vị đã chú trọng hơn đến công tác kiểm soát nguồn vật liệu đầu vào, thiết kế cấp phối, nhựa, phụ gia…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như công tác sửa chữa, khắc phục còn chậm, các giải pháp áp dụng chỉ là xử lý tạm thời… “Một số đơn vị vẫn còn lúng túng trong quá trình tìm phương án xử lý khắc phục. Bên cạnh đó, việc xác định nguyên nhân sâu xa để đưa ra giải pháp chấn chỉnh cho cả hệ thống cũng như khi triển khai thi công vẫn còn sự khác nhau rất lớn giữa các đơn vị”, Thứ trưởng Đông nhận xét.
Nhằm chấn chỉnh và khắc phục những bất cập, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu, thời gian tới, Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) tiếp tục theo dõi tình hình sửa chữa, khắc phục của từng đoạn tuyến nhằm đưa ra giải pháp cụ thể, khuyến cáo đối với chủ đầu tư, nhà thầu… trên cơ sở đánh giá các nguyên nhân dẫn tới tình trạng hằn lún mặt đường.
“Cục QLXD&CLCTGT cần xem xét đánh giá dây chuyền sửa chữa của các đơn vị, đồng thời phải rà soát lại tất cả các chỉ dẫn kỹ thuật, chỉ dẫn thi công một cách chi tiết, cụ thể làm cơ sở kiểm tra, giám sát. Đối với những đoạn đang thi công, Cục phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư không được để hằn lún lặp lại, đoạn nào lớp dưới bị hỏng, phải khắc phục trước rồi mới tiến hành thi công lớp trên và phải lưu ý lựa chọn loại vật liệu khác”, Thứ trưởng nói và giao nhiệm vụ cho Cục QLXD&CLCTGT cần đánh giá vai trò và hiệu quả của đơn vị tư vấn kiểm định, năng lực quản lý của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu để tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc lựa chọn cho các dự án tiếp theo.
Đối với Vụ Khoa học công nghệ, Thứ trưởng Đông chỉ đạo đơn vị này tiếp tục đẩy nhanh công tác nghiên cứu về các loại kết cấu áo đường và có hướng dẫn quy định cụ thể, sâu sát cho đơn vị thiết kế lập dự án, cũng như thiết kế thi công. Đối với mỗi khu vực vùng, miền khác nhau, cần có giải pháp thiết kế khác nhau chứ không thể dùng một loại kết cấu đồng nhất cho tất cả các nơi.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện