Nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ cho VEC chính là giá trị phần vốn Nhà nước đã đầu tư tại các dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư (Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một trong 5 dự án VEC làm chủ đầu tư) - Ảnh: K.Linh |
Sau cổ phần hóa (CPH), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tập trung tối đa các nguồn lực, tăng cường liên danh, liên kết với các đối tác để tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Hiện nay, công tác tái cơ cấu của VEC đã cơ bản hoàn thành và đang chờ ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 1.018 tỷ đồng lên 22.161 tỷ đồng làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp (DN) để tiến tới CPH. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ cho VEC không phải là nguồn tiền Nhà nước phải cấp phát mới mà đây chính là giá trị phần vốn Nhà nước đã đầu tư trực tiếp để đảm bảo hiệu quả tại năm dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Được biết, sau khi giá trị DN được xác định, VEC sẽ xây dựng phương án CPH và tiến hành thoái vốn hoặc bán bớt phần vốn Nhà nước tại DN để hoàn trả số tiền ngân sách đã đầu tư. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng vốn điều lệ cho VEC để CPH là rất cần thiết, nhằm đảm bảo cân bằng tài chính, từng bước giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu về mức an toàn, bởi với số vốn điều lệ của VEC hiện chỉ có 1.018 tỷ đồng nhưng đơn vị đã huy động vốn đầu tư, xây dựng năm dự án cao tốc lên trên 125 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Cường, Phó tổng giám đốc VEC cho biết, sau CPH, VEC tiếp tục chú trọng thực hiện các dự án đã và đang xây dựng, đồng thời tìm kiếm các dự án phù hợp với ngành nghề chính là đầu tư xây dựng, khai thác đường cao tốc và các dự án, lĩnh vực khác để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trên cơ sở nhu cầu đầu tư giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT, VEC sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các nhà tài trợ và các DN khác để cùng hợp tác đầu tư các tuyến đường cao tốc theo hình thức PPP với tổng số 702 km (TMĐT: 122.808 tỷ đồng) như: Xây dựng 45 km tuyến đường từ Hữu Nghị Quan - Chi Lăng (Lạng Sơn), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Nha Trang, Quảng Ngãi - Quy Nhơn,...
“Cùng đó, VEC sẽ đầu tư vào các khu vực có lợi thế của đơn vị để xây dựng các khu dịch vụ, bãi trung chuyển hàng hóa, bán chuyển nhượng quyền thu phí, đấu thầu và xã hội hóa công tác bảo trì dự án”, ông Cường thông tin.
Về mặt tài chính, VEC tập trung khai thác nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, cổ đông chiến lược, huy động các nguồn nhàn rỗi hợp pháp, đảm bảo cân đối kịp thời, đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển theo từng thời kỳ. Đồng thời, Tổng công ty sẽ tiến hành thoái vốn tại những công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp và phát hành cổ phiếu để tập trung vốn sản xuất kinh doanh cho công ty mẹ.
“Ngoài ra, VEC sẽ nghiên cứu bán quyền thu phí đối với các dự án đã hoàn thành để tiếp tục đầu tư các tuyến đường cao tốc khác và tiến hành xã hội hóa những khu dịch vụ trên các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư”, đại diện VEC cho biết.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện