Đại diện Ban QLDA báo cáo Hội đồng nghiệm thu về dự án |
Ngày 12 và 13/5, đoàn nghiệm thu nhà nước do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nghiệm thu đã kiểm tra, nhiệm thu toàn bộ dự án nâng cấp, mở rộng đường HCM qua Bình Phước theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty CP Đức Thành Gia Lai làm chủ đầu tư.
Tại thực địa nghiệm thu dự án, Thứ trưởng Lê Quang Hùng, chỉ đạo tất cả các yếu tố cần và đủ là có biên bản nghiệm thu của chủ đầu tư, có biên bản đánh giá của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem đã đủ điều kiện nghiệm thu và đưa vào khai thác, để đủ điều kiện Hội đồng nhà nước quyết định cho phép khai thác.
Báo cáo Hội đồng nghiệm thu, ông Dương Hồ Minh, Phó tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM, cho biết: Phạm vi dự án theo thiết kế đầu tư nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn từ Cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài (Km 921+025 – Km 962+331 QL14), tỉnh Bình Phước thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, có chiều dài tuyến 39,515km được triển khai từ năm 2009 do UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhà đầu tư là Công ty CP Đức Thành Gia Lai. Tổng mức đầu tư ban đầu là 814.296.338.543 đồng.
Dự án được chia thành 3 gói thầu: Gói số 1: Km 921+025 – Km 935+00; Gói số 2: Km 935+00 - Km 949+00, Gói số 3: Km 949+00 - Km 962+331, khởi công xây dựng từ năm 2010 đến tháng 5/2015. Trong quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh quy mô đầu tư và chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ UBND tỉnh Bình Phước sang Bộ GTVT vào tháng 12/2013, Bộ GTVT giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan để tiếp tục thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL14 đoạn Cầu 38 – Đồng Xoài. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 967,888 tỷ đồng (QĐ số 198/QĐ-BGTVT ngày 17/01/2014 của Bộ GTVT).
Các chuyên gia báo cáo về dự án |
Quy mô thiết kế đường cấp III đồng bằng và đồi, tần suất thiết kế thủy văn P=4%, vận tốc thiết kế Vtk=80Km/h và Vtk=60Km/h đối với các đoạn có địa hình khó khăn; chiều rộng Bn từ 12m (đoạn ngoài đô thị) đến Bn =21,6m (đối với đoạn qua khu đô thị và khu dân cư), độ dốc dọc thiết kế tối đa không quá 5% (châm chước = 7% đối với đoạn qua địa hình khó khăn), bán kính cong nằm nhỏ nhất 400m (châm chước = 125m đối với đoạn qua địa hình khó khăn), bán kính không cần siêu cao 2.500m, bán kính cong đứng lồi tối thiểu 5.000m (châm chước = 4.000m đối với đoạn qua địa hình khó khăn), bán kính cong đứng lõm tối thiểu 3.000m (châm chước = 2.000m đối với đoạn qua địa hình khó khăn).
Từ khi Ban QLDA đường HCM tiếp quản dự án quá ngổn ngang, bề bộn. Ngay lập tức, Ban đã rà soát lại tổng thể dự án. Tuy nhiên đến mùa mưa năm 2014, Ban QLDA vẫn lo dự án BOT do Đức Thành Gia Lai đầu tư sẽ chậm tiến độ. Khi ấy, anh em Ban QLDA đường HCM phải cùng với Đức Thành thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, rà soát lại những điểm hư hỏng để khắc phục ngay lập tức, bảo đảm chất lượng công trình theo đúng quy định.
Điều đáng ghi nhận là ngay khi sau khi mùa mưa kết thúc, nhà đầu tư đã chỉ đạo cho các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ. Ban QLDA đường HCM đã yêu cầu tư vấn giám sát phải bố trí cán bộ bám sát hiện trường cùng nhà đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công đạt chất lượng tốt nhất, đặc biệt tại các mũi thi công trong đêm phải đảm bảo đủ ánh sáng, tăng cường hệ thống đảm bảo giao thông, an toàn lao động… Đến ngày 21/3/2015 dự án này thảm xong bê tông nhựa.
Đại diện chủ đầu tư báo cáo tổng thể dự án |
Ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, cho biết: Trong tháng 4, Cục quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và Ban QLDA đường HCM đã tiến hành kiểm tra tổng thể toàn bộ dự án. Xét về tổng thể dự án BOT đoạn Cầu 38 - Đồng Xoài của nhà đầu tư Đức Thành đã hoàn thiện cơ bản đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục, hoàn thiện đúng kỹ thuật trước khi thực hiện công tác nghiệm thu toàn dự án.
Đầu tháng 5 Cục quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và Ban QLDA đường HCM tiếp tục kiểm tra rà soát tổng thể lần cuối, và báo cáo Bộ GTVT và Hội đồng nghiệm thu nhà nước đồng ý lập Hội đồng nghiệm thu nhà nước.
Sau khi Hội đồng nghiệm thu kiểm tra thực tế, và nghe những báo cáo đánh giá, nhận xét của các đơn vị liên quan, như thiết kế, tư vấn giám sát, Ban QLDA đường HCM, các chuyên gia thành viên Hội đồng nghiệm thu..., Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã nhận xét về cơ bản dự án đủ điều kiện để đưa vào khai thác. Còn một số tồn tại nhỏ, như hệ thống an toàn, bổ sung các giải pháp ATGT tại 3 "điểm đen" mới phát sinh, một số đoạn rãnh thoát nước bị lấp bởi các hộ dân san lấp mặt bằng, trong vòng 30 ngày nhà đầu tư phải chỉ đạo các nhà thầu khắc phục.
Ngoài ra, cần nhanh chóng triển khải trạm thu phí tự động không dừng phương tiện lưu thông, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, và tính toán đến kế hoạch khai thác dài hạn và công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện