Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra công trường thi côngcầu Cổ Chiên vào tháng 5/2014 |
Sau 21 tháng cật lực thi công, dự án xây dựng cầu Cổ Chiên đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây là niềm vui khôn xiết của người dân hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Giờ đây, từ Trà Vinh lên TP HCM theo QL60 được giảm hơn 70 km so với đi QL1 như hiện nay.
Giấc mơ nối thông đôi bờ
Những ngày qua, người dân tỉnh Trà Vinh đi qua phà Cổ Chiên đều hướng mắt về chiếc cầu Cổ Chiên cách đó hơn 3 km đứng sừng sững, vững chãi giữa con sông lớn nối hai bờ. Gần như ai cũng đếm lùi từng ngày chờ để được đi qua cây cầu mà họ mong ước bao đời nay. Và hôm nay, niềm vui đó đã thành sự thực. “Vui lắm. Ngày mai chúng tôi không phải “lụy phà” nữa. Đời con cháu chúng tôi chắc chắn sẽ khá hơn nhờ cây cầu này”, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh hồ hởi khi nhìn về cây cầu và nói.
Cầu Cổ Chiên bắc qua sông Cổ Chiên, cách phà hiện hữu khoảng 3,6 km về phía hạ lưu, nối QL60 đoạn giữa TP Bến Tre với TP Trà Vinh. Ý nghĩa cầu Cổ Chiên không chỉ là nối thông đôi bờ mà sẽ kết nối QL60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn cự ly từ TP HCM đến Trà Vinh khoảng 70 km so với đi QL1 hiện nay.
Với Trà Vinh, một tỉnh còn khó khăn về kinh tế và bị cách trở bởi giao thông thì việc sớm hoàn thành cầu Cổ Chiên càng có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, công tác xây dựng khu kinh tế Định An và luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đang gấp rút. Cầu Cổ Chiên sẽ góp phần quan trọng cho việc đi lại, vận chuyển thiết bị phục vụ thi công các dự án cũng như kêu gọi đầu tư. “Chúng tôi sẽ tổ chức các hội nghị để kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Định An và Trà Vinh khi cầu Cổ Chiên hoàn thành. Chúng tôi cũng tin chắc rằng, khi cây cầu đưa vào sử dụng sẽ làm kinh tế tỉnh Trà Vinh và vùng lân cận phát triển”, ông Lâm nói.
Cầu Cổ Chiên |
21 tháng cật lực thi công
Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc điều hành dự án cầu Cổ Chiên (Ban QLDA7) cho biết, 21 tháng qua là những ngày tháng đầy nỗ lực của tất cả các đơn vị, từ chủ đầu tư, chính quyền địa phương, Ban QLDA, nhà đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát… khắc phục mọi khó khăn để rút ngắn tiến độ dự án từng ngày. Lúc đầu dự kiến sẽ hoàn thành sau 24 tháng thi công (tức là 8/2015). Nhưng với ý nghĩa quan trọng của dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo rút ngắn tiến độ, đảm bảo thông xe vào ngày 19/5/2015, vượt tiến độ hơn ba tháng.
Các mốc thời gian: - Ngày 7/3/2011 khởi công xây dựng cầu Cổ Chiên trên QL60. Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên bao gồm hai dự án thành phần, do khó khăn trong việc thu xếp vốn của nhà đầu tư, dự án chỉ mới triển khai phần vốn ngân sách. |
Còn nhớ vào dịp Tết Nguyên đán 2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đến thăm công trường vào ngày mồng ba Tết, hàng trăm công nhân vẫn miệt mài thi công ở cả 4 trụ chính, cán bộ kỹ sư vẫn bám công trường mà không hề nghỉ. Ông Dũng cho biết, có cán bộ kỹ thuật, công nhân từ Tết đến nay bám trụ công trường chưa về thăm nhà. “Đây thực sự là một quyết tâm, nỗ lực rất lớn của tất cả các đơn vị tham gia thực hiện dự án”, ông Dũng nói.
Ông Mai Tuấn Anh, chỉ huy trưởng của nhà thầu Tuấn Lộc là một kỹ sư trẻ trực tiếp tham gia dự án từ những ngày đầu cho biết, có lúc trên công trường hơn 500 công nhân, 50 cán bộ kỹ sư thi công ngày đêm. Nhà thầu đã đầu tư, huy động các thiết bị máy móc hiện đại nhất. Cùng một lúc tổ chức bốn bộ xe đúc để đúc hẫng. Các mũi thi công các hạng mục gần như được thực hiện đồng thời theo kiểu cuốn chiếu nhanh, gọn. Thi công xong đúc hẫng là tiến hành phun chống thấm đổ bê tông mặt cầu, lắp đặt khe co giãn, thảm nhựa, lắp đặt tay vịn… Tất cả được thực hiện một cách nhịp nhàng, nhanh và an toàn. “Mệt nhưng cũng thấy tự hào. Nhìn người dân Bến Tre, Trà Vinh hồ hởi đi trên cây cầu mới, anh em công nhân, kỹ sư cũng thấy phấn khởi vì mình đã có một sự đóng góp vào niềm vui chung đó”, ông Mai Tuấn Anh chia sẻ. Ông Bùi Thái Hà, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc cho biết, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đều bám công trường ngày đêm cùng với nhà thầu để giám sát chất lượng công trình.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhiều lần đi kiểm tra tiến độ dự án cầu Cổ Chiên kể cả những ngày nghỉ lễ, Tết và cả ban đêm. Ở các lần kiểm tra, Thứ trưởng đều đánh giá tiến độ thi công cầu rất tốt và động viên cán bộ kỹ sư, công nhân trên công trường. Chính sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ GTVT, chính quyền cùng nhân dân hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh là sức ép cũng là động lực để chủ đầu tư, nhà thầu quyết tâm hoàn thành dự án vượt tiến độ ba tháng so với kế hoạch.
Giảm tổng mứcđầu tư gần 1.500 tỷ đồng Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên đã từng được khởi công xây dựng từ năm 2011, với thiết kế dây văng hai mặt phẳng, tổng mức đầu tư lúc đó là trên 3.798 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh quy mô thành cầu đúc hẫng cân bằng, tổng mức đầu tư chỉ còn lại 2.308 tỷ đồng, giảm gần 1.500 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên được tái khởi động xây dựng từ tháng 8/2013, bao gồm hai dự án thành phần. Dự án thành phần 1: Xây dựng phần cầu chính Cổ Chiên (nguồn vốn nhà đầu tư). Dự án thành phần 2: Xây dựng đường dẫn và các cầu trên đường dẫn vào cầu chính (nguồn vốn Nhà nước). Trong đó vốn của nhà đầu tư: 1.264 tỷ đồng; Phần vốn ngân sách Nhà nước: 1.044 tỷ đồng, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, cầu Cổ Chiên có tổng chiều dài 1.599m, rộng 16m, bốn làn xe (đường cấp III đồng bằng), độ cao thông thuyền 25m, khoảng thông thuyền rộng 120m, tải trọng HL-93 (dành cho các loại xe), vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng chiều dài toàn tuyến đường dẫn (kể cả các cầu nhỏ) 14,1km, mặt đường rộng 20,5m. |
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện