Cùng dự họp có Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; lãnh đạo các Vụ, Cục, Ban liên quan; Ban QLDA Thăng Long; Tổng cục Đường bộ VN; các Tổng công ty: Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), Đường sắt Việt Nam, Tư vấn thiết kế GTVT.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai thi công các gói thầu,
đảm bảo chất lượng Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tiến độ thông xe vào cuối năm 2015
Báo cáo về tình hình thực hiện Dự án đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết: Vidifi đã ký kết hợp đồng và triển khai thi công 11/11 gói thầu xây lắp chính. Đến ngày 30/1/2015, tổng giá trị khối lượng xây lắp đã hoàn thành đạt 81,38% giá trị xây lắp chính dự án; tổng giá trị giải ngân đạt 66,48% giá trị hợp đồng điều chỉnh. 08 gói thầu phụ trợ đang được tích cực triển khai nhằm hoàn thành đồng bộ với các gói thầu xây lắp chính. Với sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Vidifi đã tích cực đẩy nhanh công tác thanh toán, tăng dòng tiền cho các nhà thầu thi công, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu.
Công tác điều chỉnh thiết kế kỹ thuật (TKKT) kết cấu mặt đường, Vidifi đã thuê tư vấn thiết kế điều chỉnh thiết kế kết cấu mặt đường; đã tổ chức mời thầu đoạn Hải Phòng, trước Tết 2015 lựa chọn xong; điều chỉnh công tác xử lý đất yếu thuộc các gói thầu đã có thời gian đắp gia tải lớn hơn so với TKKT nhưng vấn tiếp tục lún, chưa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để dỡ tải, chủ yếu ở gói thầu số 6; các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành gia tải thêm tại các vị trí còn lún, nếu trong tháng 3 tới đây vẫn còn lún sẽ phải dỡ tải, làm cơ sở triển khai thi công các hạng mục tiếp theo của gói thầu.
Về công tác điều chỉnh dự án, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ GTVT, Vidifi đã phê duyệt xong Thiết kế cơ sở điều chỉnh và tổng mức đầu tư của dự án; phương án tài chính đang trình Bộ GTVT và các Bộ ngành khác để xin ý kiến thẩm định.
Hiện nay, Vidifi đã thành lập Ban chuẩn bị để nghiên cứu, xây dựng mô hình và triển khai các công việc liên quan đến công tác vận hành và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; xây dựng phương án tổ chức giao thông cho đoạn tuyến khai thác (đoạn từ nút giao QL10 đến nút giao Tỉnh lộ 353) theo đúng quy định.
Công tác GPMB trên toàn tuyến cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề người dân địa phương cản trở thi công tại một số vị trí thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng chưa được giải quyết dứt điểm. Vấn đề này được đại diện lãnh đạo cơ quan chức năng 3 tỉnh nói trên cam kết tại cuộc họp sẽ chỉ đạo, phối hợp địa phương giải quyết, hỗ trợ đơn vị thi công, đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Bên cạnh các nhà thầu đáp ứng tốt về tiến độ thi công, đảm bảo kế hoạch như gói thầu EX-8, EX-9 cơ bản hoàn thành khối lượng xây lắp tuyến chính, các gói thầu EX-1A, EX-7, EX-10 có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác thi công; còn một số nhà thầu chậm tiến độ như gói thầu do công tác tổ chức thi công không đạt yêu cầu, không huy động đầy đủ nhân lực máy móc, thiết bị, vật liệu, do vấn đề kỹ thuật ở các đoạn tuyến xử lý đất yếu chưa đảm bảo tiêu chuẩn để dỡ tải mặc dù hết thời gian chờ lún theo TKKT, năng lực tài chính nhà thầu kém, công nợ với các đơn vị thầu phụ, đơn vị cung cấp tồn đọng nhiều dẫn tới các đơn vị này thi công cầm chừng, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ gói thầu.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cảm ơn các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên trong thời gian qua đã phối hợp với chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc giải phóng và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công Dự án và đề nghị tiếp tục phối hợp, đặc biệt trong công tác chuẩn bị nhằm bảo vệ, tránh gây cản trở trong quá trình thi công Dự án.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo họp giao ban ít nhất 1 tháng/lần để trực tiếp xử lý kịp thời, giải quyết những tồn đọng, đặc biệt xử lý ngay việc điều chỉnh khối lượng, tăng cường vật liệu, tăng cường xử lý lún, thu hồi bảo lãnh, ký hợp đồng mới với nhà thầu phụ.
Để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu, Bộ trưởng yêu cầu Liên danh nhà thầu Cienco1-Cienco4 thi công gói thầu EX-1B không chủ quan, phải đảm bảo công việc đúng tiến độ vì đây là gói thầu chính quyết định đến tiến độ thông xe toàn Dự án; đồng ý cho dỡ tải, cắm biển chờ lún cho đến khi hết lún thì thi công ngay đối với gói EX-5, các nhà thầu chậm tiến độ phải tập trung tăng cường nhân lực, thiết bị để triển khai thi công cả trước và trong Tết 2015. Yêu cầu Vidifi thanh toán thẳng tiền cho nhà thầu phụ; xem xét điều chỉnh lại giá vật liệu gói thầu 1 cho phù hợp, nếu không điều chỉnh thì phải cấp vật liệu, phải xử lý dứt khoát trong tháng 2 tới đây; đối với vật liệu gói thầu số 5, đề nghị tách ra giao cho nhà thầu tự cung cấp; đối với gói thầu EX-4, yêu cầu thu hồi hợp đồng bảo lãnh của Nhà thầu Keangnam, ký trực tiếp với nhà thầu phụ mới, nếu nhà thầu cũ đồng ý làm thì ký hợp đồng tiếp phải theo khối lượng và dây chuyền mới. Các nhà thầu tăng cường lực lượng thanh quyết toán; hoàn thành đến đâu phải đảm bảo đồng bộ hệ thống an toàn giao thông về hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, biển báo tốc độ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát phải tăng cường kiểm tra giám sát đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo đúng yêu cầu. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tiếp tục thẩm định, kiểm tra đảm bảo tiến độ thông xe vào cuối năm 2015 nhưng phải đảm bảo chất lượng dự án.
Cũng tại cuộc họp này, ông Vũ Xuân Hòa - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long đã báo cáo về tình hình thực hiện 2 gói thầu (Gói thầu số 1-Cải thiện công trình đường sắt dài 2,1 km và gói thầu số 2-Hoàn chỉnh toàn bộ nút giao) thuộc Dự án nút giao cầu Thanh Trì - Quốc lộ 5, công tác GPMB, tình hình thi công các ram và cầu cạn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh sự quyết liệt của các nhà thầu thi công trong đó có TCT Đường sắt, Cienco4, TCT Thăng Long đã tích cực vào cuộc, tranh thủ triển khai thi công ngay khi các đoạn tuyến được GPMB. Việc đảm bảo tiến độ để 31/10/2015 bàn giao là cấp thiết, do đó Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thành công tác GPMB, bố trí đủ vốn. Các đơn vị nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị để triển khai thi công Dự án đúng tiến độ đề ra.
* Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài 105,5 km; được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ ô tô thiết kế đạt 120km/giờ; điểm đầu nằm trên đường Vành đai 3 của Hà Nội (cách mố Bắc cầu Thanh Trì 1,025 km thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40km), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng). Việc sớm đưa công trình vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn, góp phần giảm tải cho QL5 và tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
* Dự án nút giao giữa cầu Thanh Trì với Quốc lộ 5 bao gồm xây dựng 4 nhánh cầu, mở rộng cầu vượt Quốc lộ 5 ghép nối với các nhánh cầu. Địa điểm thi công thuộc địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đây là dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu vực cửa ngõ Hà Nội, kết nối với hướng đi các tỉnh Lạng Sơn, Hưng Yên, phân luồng giao thông khu vực này và giảm ách tắc tại nút giao này.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện