|
Các công trình giao thông đường bộ mang nhiều diện mạo mới vì đây là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư (ảnh chụp vòng xuyến dẫn lên cầu Vĩnh Thịnh) |
Dự án BOT, PPP “đổ xô” vào đường bộ
Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) cho biết, Bộ GTVT hiện đang quản lý 64 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư hơn 148.300 tỷ đồng. Trong số này, có 8 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, 46 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư. “Theo kế hoạch, dự kiến quý III, IV/2014 sẽ khởi công 10 dự án với tổng mức đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng nữa. Năm 2015, dự kiến sẽ tiếp tục kêu gọi 10 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 37.300 tỷ đồng” - ông Huy nói.
Đáng nói hơn, các dự án BOT, PPP hiện chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực đường bộ. Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, ông Huy cho biết, hiện mới triển khai một số dự án theo hình thức xã hội hóa tập trung vào hai lĩnh vực: Nạo vét luồng kết hợp tận thu vật liệu và các doanh nghiệp tự đầu tư các bến cảng sông chuyên dụng. Các luồng đường thủy không thể tận thu vật liệu, vấn đề xã hội hóa đầu tư vẫn còn là thách thức lớn.
Lĩnh vực hàng hải, thực tế đã triển khai nhiều dự án xã hội hóa đầu tư cảng dưới hình thức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hoặc doanh nghiệp tự đầu tư, nhượng quyền khai thác. Tuy nhiên, đối với phần luồng, việc xã hội hóa đầu tư còn ít mà nguyên nhân là do nguồn thu từ phí đảm bảo hàng hải thấp nên khả năng hoàn vốn cho các dự án đầu tư luồng khó khả thi. “Ngành Đường sắt mới chỉ thực hiện xã hội hóa thông qua hình thức nhượng quyền khai thác một số toa xe trên một số tuyến mà chưa triển khai được một dự án đầu tư nào theo hình thức PPP. Về hàng không, do đặc thù đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, yêu cầu kỹ thuật cao, lại gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng nên rất khó thu hút nhà đầu tư” - ông Huy bổ sung.
Đừng trông chờ vào đầu tư công
“Khi thực hiện Nghị quyết 11, vốn cho đầu tư công là khó khăn. Hàng loạt dự án dừng, giãn. Nếu chỉ trông chờ vào đầu tư Nhà nước là không thể. Kinh tế suy thoái, ngân hàng huy động vốn mà không có dự án đầu tư, bất động sản đóng băng. Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT đã biến khó khăn thành cơ hội, thu hút được nguồn vốn xã hội hóa vô cùng lớn vào các dự án giao thông” - Bộ trưởng phân tích.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục thu hút đầu tư vào đường bộ, trong đó có đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hoá - Bãi Vọt; đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Một dự án khác nữa có thể làm ngay được là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Về đường sắt, Bộ trưởng nêu rõ phải xem lại thể chế về nhượng quyền khai thác bao gồm cả ga và đường. Cũng theo Bộ trưởng, nên chọn một số đoạn có thể làm BOT. Những đoạn tuyến đường sắt dưới 400km nằm ở các trung tâm lớn là có thể làm được.
“Một số đoạn tuyến ngắn có thể thực hiện đầu tư nâng cấp như: Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, hay như đoạn tuyến TP HCM - Vũng Tàu. Có đường sắt tốc độ cao ở đây, đi nhanh, thuận tiện, chắc chắn sẽ thu hút được khách” - Bộ trưởng chỉ rõ.
Với số lượng 37 dự án nạo vét đang được triển khai trong lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ trưởng đề nghị cần nhanh chóng rà soát lại xem vướng gì, chọn nhà đầu tư nào quyết định ngay. “Phải nghĩ đến phương án thu phí đường thủy nội địa. Như cầu Bình Lợi, có thể nâng cao độ lên và tiến hành thu phí. Kênh đào Suez, kênh đào Panama thu phí được tại sao mình không thu phí được?” - Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Không đồng ý với Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Trần Văn Cừu rằng, “đi qua kênh thì thu phí được nhưng qua sông thì không”, Bộ trưởng cho rằng không có gì khó, áp dụng công nghệ là thu được hết. Người ta làm được, mình sẽ làm được.
Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ trưởng lưu ý: “Hàng hải đã xã hội hóa từ lâu rồi, cần phải hoàn thiện lại thể chế để tiếp tục tạo thuận lợi, thu hút đầu tư. Cứ trông chờ vào vốn Nhà nước là không thể. Nếu cảng biển bán được cho tư nhân 100% thì đề nghị bán hết và chỉ thực hiện quản lý Nhà nước. Như trường hợp cảng Quy Nhơn, cảng Cái Lân,… hoàn toàn có thể bán nếu có nhà đầu tư muốn mua”.
Với hàng không, Bộ trưởng cho rằng, không hề khó thu hút đầu tư. “Hệ thống ga hàng không có thể xã hội hóa được. Nhà nước có thể đầu tư và bán quyền khai thác. Rồi lĩnh vực đảm bảo bay, hoàn toàn có thể xã hội hóa đầu tư và thu phí theo đầu phương tiện. Vấn đề mình phải thay đổi tư duy đầu tư, đừng trông chờ vào đầu tư công nữa sẽ nghĩ ra cách” - Bộ trưởng nói.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn