Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ GTVT; PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng Viện ITST; các đồng chí Phó Viện trưởng cùng các cán bộ, nghiên cứu viên, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ và các kỹ sư của Viện ITST.
PGS.TS. Hoàng Hà tham dự và phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng Viện ITST cho biết, thiết bị thi công đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng các công trình GTVT. Không có máy và TBTC thì không thể có những cây cầu hiện đại, những đại lộ cao tốc, những công trình xây dựng nguy nga tráng lệ như thế giới hiện có. TBTC là cánh tay nối dài theo mục đích sử dụng, là cỗ máy nhân sức lực con người lên gấp bội.
Trong thời đại hiện nay, KHCN trên thế giới phát triển với tốc độ cao, nhiều phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được áp dụng thành công trên các TBTC với nhiều khuynh hướng khác nhau, trong đó có 03 khuynh hướng chủ yếu đó là thuỷ lực hoá hệ thống truyền động, tự động hoá (TĐH) các thao tác điều khiển và ứng dụng công nghệ cơ điện tử (CĐT).
PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng Viện ITST phát biểu tại Hội thảo
Với các khuynh hướng này, các hãng chế tạo máy lớn trên thế giới dần từng bước tạo ra các thế hệ máy hiện đại, tiện lợi và thông minh nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thi công công trình đảm bảo kiểm soát chất lượng có hiệu quả trong quá trình thi công và giúp con người đạt được những mục tiêu ngày càng cao trong xây dựng nói chung và xây dựng công trình GTVT nói riêng.
Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ CĐT trên các thiết bị thi công từ 40 năm trở lại đây là xu thế phát triển tất yếu. CĐT là một lĩnh vực khoa học công nghệ được hình thành từ sự cộng năng của ba ngành KHCN chủ yếu là cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện, linh hoạt hóa, thông minh hoá các thiết bị máy móc phục vụ cho con người. Hệ thống CĐT là sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế hậu công nghiệp, là sản phẩm của thế kỷ XXI. Hệ thống CĐT ngày nay đóng vai trò rất quan trọng và là bộ phận không thể thiếu được trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay.
Toàn cảnh Hội thảo
CAT là hãng chế tạo máy thi công lớn có uy tín trên thế giới, được các nhà đầu tư ở Việt Nam tin dùng, nhất là các máy làm đất của CAT. Các TBTC của CAT đều đã áp dụng hệ thống CĐT từ lâu. CĐT trên các TBTC được ứng dụng và phát triển khả năng tích hợp giữa cơ khí, thủy lực, khí nén, công nghệ thông tin, điện tử.
Đặc biệt phần mềm điều khiển chính là phần chủ đạo trong công việc sáng tạo của hệ thống CĐT. Việc ứng dụng kỹ thuật số, tin học vào các hệ thống điều khiển hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiển thị, lưu trữ và truyền tải thông tin mà còn đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về độ chính xác, tính an toàn và đảm bảo điều kiện làm việc cho người vận hành, quản lý, kiểm soát chất lượng thi công.
PGS.TS. Hoàng Hà và PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang chụp ảnh cùng các đại biểu
Tại Hội thảo, các đại biểu nghe hai báo cáo do các chuyên gia của Công ty TNHH công nghiệp Phú Thái trình bầy về Công nghệ MDP – công nghệ ứng dụng trên xe lu rung CAT, giúp theo dõi và giám sát chất lượng đầm lèn; Hệ thống kiểm soát và Điều khiển máy công trình bằng định vị vệ tinh GCS và SPS...
PGS.TS. Hoàng Hà chụp ảnh cùng các đại biểu
Hội thảo là cơ hội tốt để cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các kỹ sư và cán bộ quản lý trong ngành GTVT trao đổi, thảo luận về những công nghệ tiến tiến trên các thiết bị thi công của hãng CAT nhằm giúp cho công tác xây dựng, quản lý, kiểm soát có hiệu quả chất lượng thi công hạ tầng giao thông.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang chụp ảnh cùng các đại biểu.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện