Ngay từ những ngày đầu năm 2014, Viện đã bám sát chỉ đạo của Ban cán sự và Lãnh đạo Bộ GTVT để chủ động triển khai thực hiện kế hoạch công tác năm 2014 với chủ đề “Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa” và “Siết chặt quản lý các Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát”. Viện đã nỗ lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác của Viện với tinh thần “chủ động hơn nữa”, góp phần vào sự nghiệp đổi mới cơ chế quản lý và kiểm soát chất lượng các công trình của ngành GTVT, đảm bảo mục tiêu Bộ GTVT đề ra: “Đúng nhất về thủ tục theo quy định của pháp luật; nhanh nhất về tiến độ; tốt nhất về chất lượng; cao nhất về hiệu quả; đảm bảo nhất về an toàn lao động và an toàn giao thông; sạch sẽ nhất về vệ sinh môi trường”.
Vậy Viện đã có hoạt động nghiên cứu KHCN, chuyển giao công nghệ mới và vật liệu mới nào nổi bật?
Các nghiên cứu của Viện đã để lại dấu ấn khá rõ nét trong các lĩnh vực hoạt động của toàn ngành: Đó là lĩnh vực đường bộ đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp khắc phục hư hỏng dạng hằn lún vệt bánh xe; lựa chọn kết cấu và vật liệu cho thiết kế áo đường mềm trên các tuyết đường có xe tải trọng nặng, áp dụng cho từng vùng khí hậu của Việt Nam; nghiên cứu và khuyến cáo những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa; ứng dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa cũ; nghiên cứu về đường cao tốc phân kỳ 02 làn xe...
Lĩnh vực cầu hầm đã nghiên cứu giải pháp thay cáp cho cầu dây văng và dây treo cho cầu dây võng; nghiên cứu ứng dụng vật liệu composite và giải pháp dự ứng lực ngoài trong sửa chữa, nâng cấp cầu bê tông cốt thép đang khai thác; nghiên cứu ảnh hưởng của việc xây dựng công trình ngầm đến công trình lân cận. Lĩnh vực Cảng đường thủy đã nghiên cứu các công nghệ mới, vật liệu mới trong sửa chữa những hư hỏng, xuống cấp, các giải pháp chống ăn mòn của môi trường biển.
Lĩnh vực cơ khí máy xây dựng, tự động hóa đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công nhiều thiết bị chuyên dùng phục vụ xây dựng công trình giao thông; nghiên cứu chế tạo hệ thống thủy lực dẫn động xe đúc trong công nghệ thi công cầu đúc hẫng; nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị dầm thay gối cầu, chế tạo bơm thủy lực siêu cao áp, thiết bị khoan xiên phục vụ công nghệ xử lý sụt trượt...
Đặc biệt là các nghiên cứu thiết kế hệ thống tự động thu nhận và xử lý dữ liệu cho biển báo điện tử VMS (variable message signs) đặt tại các nút giao cắt để thông báo tình trạng giao thông trước khi vào thành phố. Lĩnh vực vật liệu, bảo vệ công trình và phương tiện vận tải có các nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm vật liệu chống thấm, chế tạo vật liệu Polyme Compozit cho nội thất toa xe, ứng dụng vật liệu Polimer Pex, hoàn thiện công nghệ sản xuất sơn bảo vệ kết cấu thép và nghiên cứu ứng dụng khoáng mica để tăng cường khả năng bảo vệ bằng hệ sơn men epoxy-pex than đá.
Lĩnh vực môi trường có các nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong các công trình giao thông, nghiên cứu thực trạng ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động GTVT tại các thành phố lớn.... Đa số các kết quả nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng vào thực tế trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động của ngành GTVT.
Thế còn công tác xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng xây dựng khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cũng là nhiệm vụ hết sức quan trong được viện triển khai thực hiện thế nào, thưa ông?
Viện coi trọng công tác biên soạn mới, cập nhật và chuyển đổi các TCVN. Từ năm 2011 đến nay, Viện đã chủ trì biên soạn và được Bộ KHCN ban hành 102 TCVN. Trong hai năm 2013 và 2014 Viện đã chủ trì biên soạn và được Bộ KHCN ban hành 21 TCVN; hiện nay Viện đang rà soát để tới cuối năm 2014 được ban hành thêm 20 TCVN nữa. Cùng với việc xây dựng các TCVN Viện cũng chú trọng tới việc việc biên soạn và đề xuất Tổng Cục đường bộ, các Cục chuyên ngành ban hành các Tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế sản xuất của ngành; đồng thời thực hiện công tác biên soạn các Chỉ dẫn kỹ thuật nhằm tăng cường quản lý chất lượng thiết kế và thi công hạ tầng GTVT như Quy định kỹ thuật về phương pháp thử độ sâu vệt hằn bánh xe cho bê tông nhựa xác định bằng thiết bị Wheel tracking; Quy định về thiết kế, thi công và nghiệm thu lớp tái sinh nguội tại chỗ bằng nhũ tương; Quy định về thiết kế thi công và nghiệm thu lớp tái sinh nguội tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng trong kết cấu áo đường ô tô; Thông tư Quy định về quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông.... Ngoài ra Viện cũng đã chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài để phối hợp biên soạn các Tiêu chuẩn Việt Nam về Cọc ống và cọc ván ống thép sử dụng trong xây dựng công trình cầu và cảng; Chỉ dẫn chống ăn mòn cho cọc thép và cọc ván thép; Cáp dự ứng lực bọc Epoxy... Các quy định trên đã góp phần nâng cao chất lượng trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hạ tầng GTVT.
Được biết gần đây Viện đặc biệt coi trong hoạt động hợp tác quốc tế để tư nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn đội ngũ?
Hoạt động HTQT của Viện đã đi vào chiều sâu, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án ODA của Nhật Bản về sụt trượt, về xây dựng Tiêu chuẩn cảng biển. Viện đã chủ động tăng cường hoạt động đối ngoại với Viện Quản lý đất đai và cơ sở hạ tầng quốc gia Nhật Bản (NILIM), Viện Bê tông dự ứng lực Nhật Bản (JPCI), Hội trượt đất quốc tế ICL; Tập đoàn thép Nippon Steel & Sumitomo Metal (NSSMC), Viện Công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT). Bên cạnh đó Viện cũng không ngừng đào tạo nguồn nhân lực KHCN, trong đó Viện đã lựa chọn và cử 12 nghiên cứu viên, kĩ sư trẻ của Viện tham gia chương trình đào tạo sau đại học tại các trường đại học của Nhật Bản từ nguồn tài trợ ODA Nhật Bản; 10 cán bộ tham gia 07 khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản.
Theo ông đánh giá thì đâu là kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất mà Viện đã thực hiện được từ đầu năm đến nay?
Trong năm 2014, Viện đã được Bộ GTVT giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng mang hàm lượng KHCN cao như thí nghiệm kiểm định xác định nguyên nhân hư hỏng mặt đượng bê tông nhựa trên QL1, QL3, QL18...; thực hiện dự án xây dựng cầu treo dân sinh phục vụ giao thông nông thôn miền núi trên 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên, trong đó thiết kế 40 cầu, thực hiện tư vấn thẩm tra, giám sát và thí nghiệm kiểm định 187 cầu; chủ trì khảo sát, thiết kế nâng cấp gia cường các cầu yếu trên toàn tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh; đề xuất cắm biển hạn chế tải trọng xe cho các cầu theo quy chuẩn QCVN 41: 2012/BGTVT… Qua đó khẳng định Viện hoàn toàn có đủ năng lực đáp ứng tốt các yêu cầu đối với các nhiệm vụ được Bộ giao, cũng như các yêu cầu của khách hàng đối với Viện.
Theo chỉ đạo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT, Viện đã chủ trì biên soạn mới Chương trình đào tạo TVGS, đào tạo thí nghiệm viên; trình Bộ ban hành Đề cương tổng quát đối với công tác thí nghiệm, kiểm định chất lượng thi công các Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và các Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây nguyên. Chủ trì tổ chức các lớp tập huấn Các giải pháp công nghệ trong quản lý chất lượng thi công bê tông nhựa và xây dựng, cải tạo, nâng cấp cầu ở Việt Nam tại Hà Nội, Đà Nẵng Tp. Hồ Chí Minh nhằm bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho các chủ thể tham gia dự án góp phần nâng cao chất lượng xây dựng các công trình giao thông.
Ngoài ra, với thứ hạng số 1 về TVGS, Viện được Bộ GTVT giao nhiệm vụ TVGS một số dự án trọng điểm của ngành như dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ; dự án nâng cấp QL5; Dự án đường nối TL.282 - cầu vượt sông Đuống với QL.18 thuộc huyện Gia Bình và Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; Dự án xây dựng 03 cầu vượt đường sắt tại Ninh Bình, Nghệ An và Đồng Nai; Dự án sửa chữa đường hạ cất cánh cảng hàng không Phú Quốc, Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Vinh, Nội Bài; Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội...
Ông có thể cho biết định hướng hoạt động KHCN trong những năm tới?
Để thực hiện Chiến lược phát triển Viện đến năm 2020 đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết đinh số 3135/QĐ-BGTVT ngày 04/12/2012, Viện tiếp tục củng cố, đổi mới cơ cấu tổ chức theo định hướng giảm bớt đầu mối, tăng tính chuyên nghiệp; bổ sung cập nhật và xây dựng mới hệ thống qui chế đồng bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, năng lực về trang thiết bị công nghệ, nhà xưởng, phòng thí nghiệm; nâng cao hiệu quả hoạt động của Viện, chủ động và tập trung giải quyết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ trọng yếu phát sinh trong thực tế sản xuất của ngành GTVT trong cả 5 lĩnh vực của ngành GTVT, đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực ITS, đường sắt đô thị, cảng biển và hàng không. Tiếp tục biên soạn các tiêu chuẩn, qui chuẩn, xây dựng các qui trình, chỉ dẫn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng của ngành GTVT. Nghiên cứu công nghệ mới, vật liệu mới trong trong xây dựng, bảo trì, sửa chữa tăng cường kết cấu công trình giao thông phù hợp với từng vùng miền,...
Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển KHCN, gắn nội dung hợp tác với các nhiệm vụ chính trị của Viện. Chú trọng hợp tác với các đối tác có thương hiệu, kinh nghiệm, trình độ công nghệ cao để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu của Viện; hoàn thiện cơ sở dữ liệu để đề xuất tham gia các dự án mới nhất có hàm lượng KHCN cao. Tăng cường hệ thống quản lý chất lượng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả rõ rệt, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước, nâng cao đời sống cho cán bộ và người lao động; tạo đà cho Viện phát triển bền vững trong tương lai.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguồn: giaothongvantai.com.vn