Những kết quả tích cực
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Khang – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT cho biết, trong thời gian qua Viện đã hoàn thành kiểm định Dự án mở rộng QL1A, đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; Gói thầu 01, 02 - QL3 cũ; Dự án cầu Bến Thủy 2. Viện đã nộp kết quả và báo cáo Bộ GTVT, Cục QLXD và CL CTGT và các Chủ đầu tư.
Viện đang kiểm định các dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Dự án QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án đường vành đai III - giai đoạn 2 - TP. Hà Nội; Dự án mở rộng QL1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đề cương kiểm định đã được Bộ GTVT chấp thuận, đề cương và dự toán công tác kiểm định đã gửi các Chủ đầu tư, đang đợi quyết định phê duyệt để triển khai.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng Viện KHCN GTVT cần đổi mới, hướng đến doanh nghiệp KHCN giao thông |
Các công nghệ mới đang được Viện triển khai như công nghệ cào bóc tái chế nguội tại gói thầu 9 và 10 – Dự án QL5; Bê tông nhựa rỗng có sử dụng phụ gia TPS (TafPack-Super); Tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa; Vật liệu Rekiphalt dùng cho lớp phủ mặt cầu BTXM; Vật liệu Rhinophal dùng cho mặt đường bê tông nhựa.
Hiện nay, Viện đang triển khai 2 đề tài cấp Nhà nước, 26 đề tài tiêu chuẩn cấp Bộ. Kế hoạch đăng ký các đề tài KHCN và môi trường năm 2014,Viện đã đăng ký tuyển chọn và trúng tuyển18 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ.
Thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, Viện đã chủ động để đào tạo, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ xây dựng cầu Cần Thơ, dự án ODA về “phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất nhằm giảm thiểu thảm họa do trượt đất gây ra trên các tuyến giao thông huyết mạch tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Xuân Khang cũng kiến nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo điều chỉnh dự án Trung tâm thí nghiệm GTVT Quốc gia; chỉ đạo các Chủ đầu tư, các bộ phận tham mưu giao việc và có cơ chế đặc thù để Viện phát huy thế mạnh của mình trong các dịch vụ tư vấn, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý chất lượng các công trình GTVT. Đề nghị Bộ GTVT cho phép Viện phối hợp với Viện Bê tông dự ứng lực Nhật Bản (JPCI) lập “Dự án đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm chẩn đoán, đánh giá cầu bê tông dự ứng lực ở Việt Nam”; giao cho Viện thực hiện dự án về ITS do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, tiến tới làm chủ công nghệ kiểm định ITS trên các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam...
Khẳng định vị trí hàng đầu về KHCN giao thông
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Viện KHCN GTVT trước hết phải thay đổi tư duy lãnh đạo, tư duy làm khoa học để khẳng định vai trò trong nghiên cứu khoa học áp dụng thực tiễn của không chỉ riêng lĩnh vực GTVT. Phải xây dựng quy chế hoạt động của Viện, trong đó có nội dung mối quan hệ giữa Viện và các cơ quan khác, từ đó xây dựng thể chế, cơ chế chính sách thu hút nhân tài, phát triển KHCN. Lĩnh vực hoạt động phải toàn diện cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải…
Bộ trưởng cũng đồng tình quan điểm sẽ nghiên cứu cơ chế đặc thù để Viện KHCN phát triển với tốc độ đột phá, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài… Tuy nhiên Viện cũng cần chủ động, sáng tạo và năng động hơn; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Viện KHCN.
Bộ sẽ làm việc với Viện KHCN để xem xét tổng thể chiến lược phát triển. Viện cần căn cứ vào chiến lược phát triển GTVT 2020 tầm nhìn 2030, từ đó có chiến lược, quy hoạch phát triển phù hợp; xây dựng kế hoạch định hướng chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN theo chỉ đạo của Chính phủ. “Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp khoa học tư nhân hoạt động rất hiệu quả, tin cậy. Với mức thu nhập hiện nay, Viện không thể giữ được những giáo sư, chuyên gia đầu ngành về KHCN” - Bộ trưởng cho biết. Vì vậy, Viện KHCN GTVT cần tái cơ cấu tổng thể để trở thành hạt nhân tham mưu cho Bộ những quyết sách, chiến lược về KHCN.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện