Công nghệ MDP đo lực cản lăn của mặt đường để biết độ chặt của bề mặt, giúp công tác lu lèn đạt hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí |
George Nathanailidis của Công ty TENA SA - một trong những công ty xây dựng lớn nhất phía Bắc Hy Lạp đang phải đối mặt với một nhiệm vụ hết sức khó khăn: Lu phẳng mặt bằng cho một công trình xây dựng trên nền một đầm lầy phía Bắc Hy Lạp, chiều rộng 18m và chiều dài 364 m với bề mặt hiện tại dày 20 cm.
Nhiệm vụ của họ là phải đầm sao cho chiều dày bề mặt giảm còn 15cm, lượng công việc nhiều như vậy mới chỉ là một phần của thử thách. “Chúng tôi phải làm việc trên đất sét pha cát”. Đội trưởng đội thi công công trình cho biết. Đạt được độ đầm lèn đồng nhất nhưng vẫn phải đảm bảo độ chặt của vật liệu dường như là một thử thách lớn nhất mà đội này từng thi công.
Tuy nhiên, George và các cộng sự, đã biến cơn ác mộng này thành một giấc mơ đẹp nhờ áp dụng công nghệ đo độ đầm lèn tích hợp sẵn trên máy lu - gọi tắt là công nghệ MDP (Machine Drive Power). “Công nghệ MDP đã giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và chi phí một cách đáng kể,” một quan chức cao cấp của công ty cho biết. Công nghệ MDP chứng tỏ độ tin cậy rất cao khi xử lý vật liệu dạng rời. Trong khi các công nghệ khác không thể cho độ chặt đồng nhất thì MDP giúp đạt được độ chặt mong muốn với số lần lu giảm đi rất nhiều.
MDP đã tạo ra một thay đổi lớn trong công nghệ đo độ đầm lèn. Thay vì tìm tòi những tiến bộ trong công nghệ lu, MDP đo lực cản lăn của vật liệu. Lực cản lăn thể hiện chính xác độ cứng và khả năng chịu lực của đất. Có thể tóm tắt lợi ích lớn nhất của công nghệ này chỉ trong một từ: Sự đồng nhất.
Việc kiểm tra độ chặt vật liệu theo phương pháp truyền thống chỉ giúp kiểm tra ngẫu nhiên 1% tổng số vật liệu được xử lý - điều này có nghĩa là sự đồng nhất trong độ chặt vật liệu không được đảm bảo.
Trong khi đó, những máy lu có tích hợp công nghệ MDP được trang bị một thiết bị đo lực cản lăn của vật liệu, giúp người lái xe biết được khi nào đạt tới độ đầm lèn mong muốn và chuyển sang lu khu vực khác. Hãy tưởng tượng một cách đơn giản: Bạn đang đẩy một xe goòng chở đất đi qua một đoạn đường rải bê tông, sau đó đi qua một đoạn đường đất gồ ghề, đất mềm và xốp.
Rõ ràng khi đi qua đường bê tông, chúng ta đi nhanh hơn, tốn ít sức lực hơn khi đi trên đường đất. Lý do là vì đường bê tông rắn chắc hơn, có khả năng chịu tải tốt hơn. Còn đường đất mềm hơn, xốp hơn vì thế mà lực cản lăn sẽ cao hơn nên ta phải tốn thêm sức lực để thắng được lực cản lăn đấy. Bằng việc đo lực cản lăn này, MDP giúp công tác lu lèn đạt hiệu quả cao trên mọi loại vật liệu - kết dính và không kết dính, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh chất lượng và tiến độ thi công đường giao thông đang là mối quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội, công nghệ MDP sẽ giúp cho các đơn vị thi công giải bài toán hóc búa này.
Theo nguồn tin chúng tôi được biết, công nghệ MDP sẽ sớm có mặt tại Việt Nam.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện