Tham dự cuộc họp có đầy đủ các thành viên của Hội đồng đánh giá cấp cơ sở theo Quyết định số 2419/QĐ-VKHCN ngày 13/12/2013 của Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT. Tại cuộc họp, KS. Lê Văn Hùng, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài.
Cáp dự ứng lực ngoài (DƯL-N) đã áp dụng rộng rãi trong xây dựng cầu ở các nước trên thế giới. Với một số ưu điểm nổi bật trong thiết kế và thi công (giảm tĩnh tải, giảm mất mát ứng suất do ma sát, thuận lợi trong việc lắp đặt, căng kéo cáp,…) và đặc biệt là trong công tác bảo trì công trình (có thể kiểm tra, sửa chữa và thay thế các bó cáp DƯL-N), cáp DƯL-N đang được khuyến khích áp dụng và dần thay thế cáp trong ở một số nước tiên tiến như CHLB Đức, Hoa Kỳ,… Trong các cầu thi công bằng công nghệ lắp ghép phân đoạn trong những năm gần đây hầu như chỉ áp dụng cáp DƯL-N. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào khai thác cũng đã có khá nhiều công trình bị hư hỏng (chủ yếu là do ăn mòn) các bó cáp DƯL-N.
Ở Việt Nam, cáp DƯL-N được đã được áp dụng trong xây dựng một số cầu bê tông cốt thép (BTCT) DƯL nhịp vừa và lớn theo công nghệ đúc hẫng và lắp hẫng như cầu Sông Gianh, cầu Tân Đệ, cầu Đá Bạc, cầu Thị Nại, cầu Hàm Luông, Yên Lệnh,… Cáp DƯL-N cũng được áp dụng khá nhiều trong sửa chữa nâng cấp các cầu BTCT. Trong tương lai cáp DƯL-N sẽ tiếp tục được áp dụng cho các cầu BTCT DƯL theo công nghệ đúc hẫng nhịp lớn (để bổ sung cho cáp DƯL trong). Đặc biệt, nhu cầu và khả năng áp dụng cáp DƯL-N kết hợp với công nghệ lắp ghép phân đoạn để xây dựng cầu trong các đô thị ở nước ta là rất lớn. Trong năm 2011, sau 7 năm đưa vào sử dụng cầu Thị Nại (Bình Định) đã xuất hiện các hư hỏng lớn ở một số bó cáp DƯL-N dẫn đến phải hạn chế tải trọng để khắc phục, sửa chữa. Nguy cơ hư hỏng đối với các bó cáp còn lại hiện nay đang được tiếp tục kiểm tra, theo dõi, đánh giá.
Trên cơ sở nghiên cứu hiện tượng hư hỏng của hệ thống cáp DƯL-N trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đề tài phân tích một số nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng. Đồng thời, cũng đề xuất một số giải pháp kiểm tra, đánh giá, khắc phục các hư hỏng của các bó cáp ở các cầu đang khai thác (sử dụng hệ cáp DƯL-N) cũng như đề xuất một số cải tiến nhằm hạn chế hư hỏng của hệ thống cáp được sử dụng trong tương lai.
Với những kết quả nghiên cứu đã đạt được, Hội đồng đánh giá đề tài đã hoàn thành các nội dung và mục tiêu nghiên cứu, sản phẩm của đề tài có giá trị và có thể áp dụng vào thực tế hoạt động của ngành giao thông vận tải. Đồng thời, Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài theo biên bản họp hội đồng và làm thủ tục trình Bộ GTVT nghiệm thu theo quy định.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hội đồng ( người ngồi thứ hai bên tay phải từ ngoài vào)
KS. Lê Văn Hùng – Chủ nhiệm đề tài báo cáo
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện