Boeing cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ sự phát triển của hàng không dân dụng Việt Nam
Ông Brendan Nelson bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng và lãnh đạo các cấp Bộ GTVT đã dành thời gian tiếp đoàn.
Theo ông Brendan Nelson, Việt Nam là một thành viên có tầm ảnh hưởng quan trọng trong khối ASEAN, tăng trưởng kinh tế tốt, vì vậy, Boeing rất quan tâm đến việc phát triển tại thị trường Việt Nam.
Phó Chủ tịch Boeing Brendan Nelson khẳng định, Boeing cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ sự phát triển của hàng không dân dụng Việt Nam, trong đó có công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành hàng không.
“Chúng tôi đã đầu tư và sẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam vì tin tưởng vào thị trường Việt Nam, minh chứng là Boeing đã khai trương văn phòng tại Việt Nam để phục vụ cho chiến lược đầu tư lâu dài, phát triển dài hạn”, ông Brendan Nelson nói và cho biết thêm, Boeing cũng đang nghiên cứu nhiên liệu sạch để có thể sử dụng trong ngành hàng không khu vực Đông Nam Á nhằm giảm phát thải, thực hiện các chương trình, cam kết về bảo vệ môi trường. Boeing tin tưởng Việt Nam có vai trò quan trọng trong sử dụng, phát triển nhiên liệu hàng không vì môi trường bền vững.
Về hợp tác của Boeing với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, ông Brendan Nelson cho biết, Boeing đã có chương trình hỗ trợ đào tạo phi công, cử chuyên gia hàng đầu về an toàn hàng không, quy chuẩn hàng không, cử các chuyên gia hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng Boeing... Boeing cũng đang thương thảo với Vietnam Airlines về mua tàu bay Boeing B737.
“Tàu bay B737 MAX hiện đang khai thác trên thế giới hơn 1.000 chiếc, mức độ tin cậy trên 99,5%, chi phí bảo trì giảm khoảng 14% so với các dòng tàu bay khác, đặc biệt giảm được 20% khí phát thải nhà kính”, ông Brendan Nelson giới thiệu. Vì vậy, mong muốn nhà chức trách Việt Nam xem xét, cấp phép khai thác tàu bay Boeing B747-8F tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chúc mừng Boeing khai trương
Văn phòng đại diện tại Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chúc mừng Boeing khai trương Văn phòng đại diện tại Việt Nam và nhấn mạnh, sự kiện này thể hiện các hoạt động và hợp tác có hiệu quả của Boeing tại Việt Nam.
Bộ trưởng cũng giới thiệu về thị trường hàng không Việt Nam, theo đó tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây luôn trên 20%.
Cụ thể, thị trường hàng không Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không nội địa (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) khai thác 69 đường bay nội địa; 70 hãng hàng không nước ngoài khai thác hơn 150 đường bay quốc tế tới 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2022, tổng thị trường đạt 55,3 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa, tăng 256% về hành khách so với năm 2021.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là cơ hội để phát triển lĩnh vực hàng không, nhất là trong bối cảnh ngành hàng không thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các hãng hàng không Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng cũng đã từng bước phục hồi mạnh mẽ.
Đặc biệt, các hãng vẫn tiếp tục triển khai các hợp tác với Tập đoàn Boeing về kế hoạch mua tàu bay. Như Vietnam Airlines có kế hoạch đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp (B737 MAX8/9/10) cho giai đoạn 2021-2025; Vietjet Air đã ký thỏa thuận với Boeing về việc sẽ mua 350 tàu bay các loại B737 MAX cho giai đoạn từ nay đến 2030; Bamboo Airways đã ký hợp đồng với Boeing mua 10 tàu bay B787-9 và thỏa thuận mua 20 tàu bay B787. Điều đó cho thấy thị trường hàng không Việt Nam là thị trường lớn và dài lâu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng giới thiệu về các lĩnh vực hàng không khác tại Việt Nam như phát triển hệ thống cảng hàng không, với 22 cảng hàng không, sân bay thuộc Bộ GTVT quản lý, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế, 12 cảng hàng không nội địa.
Hiện, Bộ GTVT đang tập trung triển khai Dự án Cảng HKQT Long Thành - một dự án trọng điểm của đất nước với tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng khoảng 4,665 tỷ USD. Dự án khi hoàn thành sẽ rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tập đoàn hàng không lớn trên thế giới, trong đó có Boeing.
Về lĩnh vực an toàn hàng không, Bộ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao những hỗ trợ của Boeing cho Cục Hàng không VN mà tiêu biểu là hỗ trợ trong việc xây dựng hệ thống tài liệu các quy định về giám sát an toàn tuân thủ theo Tiêu chuẩn, Khuyến cáo thực hành của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) và đào tạo huấn luyện giám sát viên an toàn hàng không. Với sự hỗ trợ của Boeing, Cục Hàng không VN đã được phía Hoa Kỳ trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1). Đây là cơ sở tiên quyết trong việc triển khai đường giữa bay thẳng Việt Nam và Hoa Kỳ mà Vietnam Airlines đang khai thác. Bộ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an toàn hàng không, một trong những lĩnh vực ưu tiên của ngành hàng không Việt Nam.
Về lĩnh vực quản lý lý hoạt động bay, hiện các bên đang phối hợp triển khai chương trình Quản lý thông tin toàn hệ thống (SWIM). Bộ trưởng giao Cục Hàng không VN và Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Boeing để triển khai dự án đảm bảo hiệu quả.
Riêng về đề xuất khai thác trở lại tàu bay vận tải cỡ lớn Boeing B747-8F của Tập đoàn Boeing tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không VN phối hợp với Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) sớm cấp phép cho tàu bay B747-8F khai thác tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng đề nghị phía Boeing phối hợp với Cục Hàng không VN, ACV và các hãng hàng không khai thác tàu bay B747-8F để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình khai thác tàu bay tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện