Mở cửa bầu trời, vùng biển
Tại cuộc họp, tỉnh Bình Thuận có 11 kiến nghị, đề xuất tháo gỡ vướng mắc đang là rào cản ảnh hưởng phát triển địa phương.
Trong đó, nổi cộm các vấn đề xử lý tro xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, thủ tục pháp lý đất đai còn nhiều chồng chéo. Vướng mắc trong việc giải quyết đối với các trường hợp doanh nghiệp thống nhất điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch titan.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp
Qua nghe báo cáo của các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, những năm qua tỉnh đã có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. Bộ trưởng cũng ấn tượng với kết quả phát triển kinh tế tỉnh đã đạt được, du lịch đang hồi phục mạnh.
Bình Thuận là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cùng với nhiều tỉnh, thành phố giáp biển, tỉnh được xác định là 1 trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của quốc gia.
Tuy nhiên, tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn nhưng nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Bộ trưởng dẫn chứng như xuất nhập khẩu cũng ảnh hưởng khó khăn chung không riêng Bình Thuận; kim ngạch giảm sâu; chỉ số PCI chưa ổn định...
Đến nay tỉnh đã có cao tốc, chỉ còn thiếu sân bay Phan Thiết chưa đưa vào khai thác nên chưa khai thác hết tiềm năng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Trung ương, Ban Bí thư để lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ.
Các giải pháp sắp tới cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh các chương trình phục hồi kinh tế, các dự án hạ tầng tái định cư, các chương trình mục tiêu quốc gia; Tập trung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư các dự án trọng điểm.
Đối với các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt các vướng mắc về đất đai đoàn công tác sẽ tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Bộ GTVT luôn ủng hộ việc đầu tư tăng cường kết nối giao thông liên vùng, liên tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực hiện rất hạn chế, do vậy địa phương cần cân đối ưu tiên bố trí vốn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thị sát khu vực dự án cảng Cà Ná trưa 18/5
Đối với các dự án cấp bách cần có đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ liên quan để xem xét đưa vào danh mục khi có nguồn vốn sẽ xem xét bố trí theo thứ tự ưu tiên các dự án.
"Tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Cần lưu ý, đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết và cảng biển đón khách để mở cửa bầu trời, mở cửa vùng biển, mở ra không gian phát triển mới.
Bình Thuận đã có cao tốc, với lượng khách du lịch không ngừng tăng, việc thi công hạng mục hàng không dân dụng sẽ tác động đến phát triển kinh tế, vận tải. Tỉnh cần phối hợp các đơn vị liên quan tháo gỡ, sớm khởi động trở lại nhà ga dân dụng và rút ngắn thời gian quy hoạch thành sân bay quốc tế để phát huy hiệu quả khi khai thác", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Vì sao sân bay Phan Thiết chậm tiến độ?
Trước đó, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian qua, một số công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào hoạt động như: cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo (dự kiến khánh thành vào ngày 19/5). Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống giao thông vẫn thiếu tính đồng bộ.
Do vậy tỉnh này đề xuất cần bố trí nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông trục đường ven biển các tuyến giao thông kết nối thuận lợi giữa tỉnh Bình Thuận với vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ; Bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết thành Cảng hàng không quốc tế (đến năm 2030).
Sau thông xe cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây,
lượng khách tăng cao đột biến dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Việc đưa vào khai thác các cao tốc cùng với các đường kết nối hệ thống giao thông của tỉnh thông qua 7 nút giao giúp tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: logistics, các đô thị... các cụm công nghiệp, các khu du lịch biển.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, trong quý I/2023, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,86%/3,32% so với bình quân chung của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.410 tỷ đồng đạt 25,16% kế hoạch năm (tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước).
Đặc biệt, hoạt động du lịch sôi động trở lại, lượng khách du lịch đạt 2,08 triệu lượt, đạt 30,99% kế hoạch (tăng 115,36% so với cùng kỳ năm 2022).
Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 9.200,4 tỷ đồng, đạt 86,8% kế hoạch (tăng 130,19% so với cùng kỳ năm 2022).
Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại cuộc họp
Lý giải thêm về việc chậm triển khai sân bay Phan Thiết hạng mục hàng không dân dụng, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua hạng mục này bị "tắc" tiến độ bởi giữa tỉnh và chủ đầu tư (tập đoàn Rạng Đông) chưa thống nhất được phương án đền bù việc chấm dứt hợp đồng.
Chủ đầu tư cho rằng, tỉnh phải bồi hoàn số tiền đã bỏ ra đầu tư với loạt chi phí từ chuẩn bị đầu tư đến dọn dẹp mặt bằng, cào bóc hữu cơ trên diện tích mặt bằng phần sân bay dân dụng. Tuy nhiên, cần phải có cơ quan thẩm định độc lập, tỉnh đang tiếp tục xử lý...
Trong quý I/2023, tỉnh Bình Thuận tập trung nguồn lực đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng, các công trình trọng điểm như trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành. Tỉnh kiến nghị nâng cấp, mở rộng tuyến QL55 đoạn từ Km52+640 - Km97+692; QL28 đoạn từ nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến QL1, đường ĐT.711 kết nối cao tốc với đường ven biển; Xây cầu vượt tại khu vực nút giao Ba Bàu để tránh ùn tắc trên QL1 và đường dẫn cao tốc...
Nguồn: Báo Giao thông
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện