Nhiều nghiên cứu khả quan, kịp thời
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Lễ tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ những ngày đầu tiên dịch bệnh bùng phát, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp xác định, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục vụ công tác phòng chống dịch; kịp thời triển khai theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện virut corona chủng mới (SARS-CoV2), kháng thể đơn dòng, phác đồ điều trị, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát.
Đến nay, nhiều nghiên cứu đã có kết quả khả quan, kịp thời phục vụ thiết thực cho việc phòng, chống dịch. Tiêu biểu như: Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19 trong việc xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế; tham gia tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19… tập hợp, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và kịp thời có các sản phẩm KH&CN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ,… đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19
Đặc biệt, nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện), đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương quốc Anh cấp giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường châu Âu số 2020041602179596/1 ngày 20/4/2020; Tổ chức Y tế thế giới cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm vào ngày 24/4/2020. Cho đến nay, hơn 230.000 test đã được cung cấp cho cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống Covid-19 ở nước ta. Bên cạnh đó, bộ KIT đã được tặng cho một số nước như Lào, Indonesia, Hungary góp phần tăng tình hữu nghị với các nước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế (do Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện). VIBOT - 1a được thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công robot NaRoVid1 (do Viện Ứng dụng Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện) có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Khát khao cống hiến cho khoa học nước nhà
Chia sẻ tại lễ tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiến sĩ Đào Thị Thu Hà, đại diện nhóm nghiên cứu của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cho biết, là một người có xuất thân khoa học, những điều mới lạ luôn có sức thu hút kỳ diệu, kể cả là Covid-19 đầy chết chóc vẫn có sự lôi cuốn rất lớn với tôi. Tham gia nhóm chuyên gia Covid, với gần 300 nhà khoa học, tôi cảm thấy được sự hừng hực muốn đóng góp của từng cá nhân với vận mệnh của đất nước, ai cũng khao khát được cống hiến. Khi tham gia, bạn cảm nhận được rất rõ câu nói “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta”, tất cả chỉ cùng mong muốn có thể làm được một chút gì đó, dù rất nhỏ, cho thời điểm khó khăn đó của đất nước.
“Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề về dữ liệu. Tôi biết một số nhóm bạn thức ngày đêm để làm mô hình, kiếm dữ liệu, đọc tài liệu, tôi rất khâm phục họ. Ngay những người đồng đội của tôi đang ngồi đây, mọi người cũng ngày đêm làm việc” - tiến sĩ Đào Thị Thu Hà nói và bày tỏ mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như Nhà nước hãy tận dụng tất cả nguồn lực của Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài, cũng như tạo điều kiện cho những nguồn lực đó có thể đóng góp sức mình vào sự phát triển của Việt Nam. Bởi chúng tôi dù ở đâu, cũng luôn hướng về Việt Nam và sẵn sàng cống hiến cho đất nước.
Trung tướng, giáo sư Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho hay, việc Việt Nam nghiên cứu sản xuất thành công bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Kết quả này chứng tỏ hướng đi đúng đắn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đó là, đầu tư lâu dài, bền bỉ, đúng định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất cho các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng.
Thông qua nhiều chương trình khoa học và công nghệ quốc gia như chương trình KC10 “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, KC04 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư cho các đơn vị, trong đó có Học viện Quân y thực hiện nhiều nhiệm vụ để tạo ra sản phẩm thiết thực. Nhờ sự đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y có trình độ cao, được đào tạo bài bản, đã có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu chế tạo bộ KIT nói riêng.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19, ngành khoa học và công nghệ đã tích cực huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phòng chống dịch bệnh theo phương châm “chống dịch như chống giặc”.
Các kết quả khả quan từ việc nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian ngắn như vừa qua cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm. Một mặt, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước và xã hội, các tổ chức khoa học công nghệ và các nhà khoa học của Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn của đất nước. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ phòng, chống dịch cũng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa viện, trường và các doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu cụ thể, cấp thiết của xã hội.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện