ự án đầu tư xây dựng cầu cạn thuộc đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nghe báo cáo tiến độ tại công trường xây dựng
cầu cạn thuộc đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Công trình có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,6m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4m.
Dự án được xây dựng với quy mô bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa,... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h.
Giám đốc Ban QLDA Thăng Long Dương Viết Roãn báo cáo với Bộ trưởng về tiến độ Dự án xây dựng cầu cạn (đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long), cả 2 gói thầu (gói xây dựng đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế và gói xây dựng đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long) đã hoàn thành theo kế hoạch hầu hết các hạng mục và từ nay đến 30/9 Ban cùng các đơn vị thi công sẽ triển khai nốt khối lượng các công việc còn lại như lắp các hạng mục phụ trợ (biển báo giao thông, sơn kẻ đường, sơn trụ cầu, hệ thống điện và ITS), thi công hoàn thiện các khe co dãn. Gói thầu số 1: Xây dựng đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế các hạng mục phần cầu đã hoàn thành 100%; Phần đường: Đoạn từ Km0+237.7 đến đầu gờ chắn bê tông đã hoàn thành công tác thảm bù vênh lớp ATB, trong phạm vi gờ chắn bê tông và tường chắn có cốt đã hoàn thành thảm ATB BTN C19 bên trái tuyến; Hoàn thành lắp dựng bó vỉa mới giải phân cách;Hệ thống thoát nước dưới cầu: Đã hoàn thành toàn bộ; Các hạng mục công việc dưới cầu từ mố A1 đến trụ P15: Đang thi công thảm BTN.
Các công trình phụ trợ: Hệ thống thoát nước mặt cầu, nhà thầu đã hoàn thành lắp ống nhựa cho 55/55 nhịp; Hàng rào chống chói: Đang sản xuất lắp dựng trên công trường, khối lượng đạt 45/55 nhịp. Tiến độ hoàn thành hạng mục này vào ngày 10/9/2020; Cột biển báo giao thông: Đang sản xuất tại xưởng. Tiến độ hoàn thành hạng mục này vào ngày 30/9/2020 theo kế hoạch; Đổ bê tông xong 68/68 móng cột đèn tại dải phân cách giữa, 7/7 ụ cột điện tại đường dẫn mố A1; Đã lắp đặt 55/55 nhịp ống nhựa xoắn HDPE D85/65 cho hệ thống điện chiếu sáng đường dẫn và cầu cạn; Đã lắp đặt 47/50 nhịp ống nhựa xoắn HDPE cho cáp điện chiếu sáng đường đô thị dưới cầu cạn…
Khi được thi công xong và đưa vào sử dụng, dự án này sẽ khớp nối đồng bộ với đường vành đai 3 dưới thấp (đường Phạm Văn Đồng) từ đó sẽ góp phần quan trọng phát triển hạ tầng giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn..., hoàn thiện dự án vành đai khép kín, kết nối sân bay và các khu vực lân cận.
Đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế các hạng mục phần cầu đã hoàn thành 100%
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm và có ý nghĩa đặc biệt đã được quyết định thông xe vào dịp 10/10/2020. Bây giờ là thời điểm quan trọng nhất khi dự án đang trong giai đoạn thi công nước rút để chuẩn bị thông xe, vì vậy các đơn vị thực hiện dự án không được chủ quan, nỗ lực hết sức để hoàn thành dự án với chất lượng tốt nhất. Vì vậy, các nhà thầu cần nỗ lực thực hiện, tranh thủ tối đa các ngày không mưa và tăng ca làm việc trong các ngày này để có thể hoàn thành thảm sớm nhất có thể, cần huy động thiết bị thi công cả ngày lẫn đêm để khắc phục tiến độ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng biểu dương nỗ lực của các đơn vị, trong đó có Tư vấn giám sát Nhật Bản tại công trường, đề nghị Tư vấn Nhất tiếp tục dồn lực cho giai đoạn nước rút của dự án.
“Với hệ thống biển báo và hàng rào chống chói, nhà thầu cần tăng tiến độ sản xuất và tăng cường nhân công để có thể hoàn thiện lắp dựng vào 30/9/2020; hệ thống điện chiếu sáng cần tăng tiến độ lắp dựng để có thể hoàn thành vào 3/10/2020”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long - Hà Nội
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nghe báo cáo tiến độ tại công trường sửa chữa cầu Thăng Long
Báo cáo tại hiện trường, đại diện đơn vị thực hiện dự án cho biết, đến thời điểm hiện tại công tác triển khai thi công đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng; công tác phân luồng giao thông đã được chuẩn bị tốt và đã giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến tình trạng giao thông khu vực. Trong thyời gian tiếp theo Tổng cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban QLDA và các đơn vị kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng nhất với dự án hiện nay là việc đưa chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam.
Đoàn chuyên gia đã làm visa nhưng nay chưa có mặt tại Việt Nam do dịch Covid-19, hiện nay hàng ngày vẫn phải họp trực tuyến. Đáng nói, việc thi công thảm bê tông mặt cầu Thăng Long phải có sự có mặt của đoàn chuyên gia nước ngoài mới có thể triển khai trên thực tế. Theo kế hoạch, ngày 5/9 một số nhân sự chuyên gia bắt đầu tới Việt Nam, sau đó thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định và dự kiến ngày 20/9 mới có mặt trực tiếp tại hiện trường để triển khai công việc.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đồng ý với quan điểm này.
“Theo kế hoạch phải thông xe trước ngày 31/12/2020. Do vậy, không thể cứ làm việc trực tuyến mãi, không thể “ngồi chờ” chuyên gia, phải có con người cụ thể trên công trường. Đoàn chuyên gia có thể nhiều người, tại sao không đề nghị họ chia nhỏ các nhóm nhân sự để đưa người sang Việt Nam thành nhiều đợt và thực hiện cách ly theo các đợt”, Bộ trưởng đưa ra câu hỏi và cho rằng, những chuyên gia tới trước sẽ chuyển giao công nghệ cho kỹ sư người Việt trước, những nhân sự chưa có mặt tại dự án thì có thể họp trực tuyến hàng ngày.
Bộ trưởng chỉ đạo: Trong 1-2 ngày tới cần phải có nhóm chuyên gia tới trước để đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu cứ phụ thuộc vào lịch của phía họ là ngày 5/9 hoặc sau đó thì như vậy thì công việc sẽ khó khăn, gây chậm tiến độ dự án.
“Lần sửa chữa này là lớn nhất từ trước đến nay. Cầu sửa nhưng làm kỹ hơn cả cầu xây mới. Để phục vụ thi công, Bộ GTVT đã đồng ý cấm cầu toàn diện, cấm mọi phương tiện lưu thông để dự án có thể hoàn thành nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu chất lượng tốt nhất, lưu thông trong ít nhất 10 năm” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị cần tập trung cao nhất, có bất kỳ vấn đề gì phải báo cáo và xử lý ngay.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, bắt đầu thi công từ ngày 16/8. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4/2020.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009; giai đoạn 2012 - 2013 cũng được thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.
2 nhà mái che di động dài 240m đã được lắp đặt để triển khai dự án
Được biết, hiện dự án sửa chữa cầu Thăng Long đã hoàn thành công tác phân luồng giao thông; thi công xong hệ thống điện phục vụ thi công dọc cầu; lắp đặt xong 2 trạm trộn ướt; lắp đặt xong 2 nhà mái che di động dài 240m với 196 tấn thép; tháo dỡ xong hệ thống hộ lan hiện hữu dài 3,3km.
Đã tháo dỡ xong hệ thống hộ lan hiện hữu dài 3,3km
Với các hạng mục hàn đinh neo, bê tông UHPC, cốt thép, bê tông nhựa polyme, hiện đã hoàn thành công tác thí nghiệm đầu vào, đã nhập đủ vật liệu để phục vụ thi công bê tông UHPC (sợi thép, phụ gia, vật liệu khô).
Tổng giá trị thực hiện đến nay là 15,3 tỷ đồng/228,75 tỷ đồng, đạt 7% giá trị hợp đồng. Tổng giá trị giải ngân đến nay là 72,85 tỷ đồng/242,85 tỷ đồng, đạt 32% giá trị hợp đồng.
Thời gian tới, dự kiến việc thi công hàn đinh neo sẽ được triển khai từ 15/9 - 30/11/2020; thi công cốt thép từ 16/9 – 1/12/2020; lắp đặt khe co giãn từ 4/9-4/12/2020; đổ bê tông UHPC từ 19/9 - 14/12/2020; thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa polime từ 17/11-27/12/2020. Dự án sẽ hoàn thành thông xe trên cầu trước ngày 31/12/2020.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện