Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đến nay tiến độ dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành gần 49% tiến độ, trong đó riêng đoạn trên cao đạt gần 99%.
Cụ thể, nhà thầu đang thi công kết cấu thép cho phần mái và lắp đặt thiết bị trong nhà ga trên cao S1 – Nhổn, S2 - Minh Khai và S6 – Đại học Quốc Gia. Khu vực Depot tại Nhổn đã hoàn thành 98% các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và 50% các công trình toà nhà.
Theo thiết kế, phần mái nhà ga của dự án có kết cấu dạng chữ V với độ dốc lớn, khi trời mưa nước sẽ làm sạch toàn bộ mái trước khi chảy xuống hệ thống thu gom giúp việc bảo dưỡng đơn giản hơn, tránh lắng đọng nước, bảo vệ mái khỏi bị ngấm và rò rỉ.
Công việc lắp mái che và kiến trúc của các nhà ga trên cao sẽ triển khai từ tháng 9/2019 vào hoàn thành vào tháng 4/2020.
Được biết, tiến độ đoạn đi ngầm từ phố Kim Mã đến ga Hà Nội, MRB thông tin dự án đang thi công tường vây và các kết cấu phụ trợ tại khu vực dốc hạ ngầm, ga s9 - Kim Mã và ga S10 - Cát Linh.
Để có mặt bằng thi công ga ngầm, Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng hàng chục ngôi nhà, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị phải khảo sát, đánh giá với trên 3.500 tòa nhà và công trình lân cận công trường các ga ngầm từ ga S9 – Kim Mã tới ga S12 – Ga Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu đánh giá hiện trạng các ngôi nhà theo quy chuẩn thế giới sẽ gặp UBND phường trao đổi về dự án, kế hoạch đánh giá hiện trạng các tòa nhà; thông báo với các hộ dân; khảo sát hiện trạng các bức tường trong, ngoài, sàn nhà...
Cũng theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đến nay, các nhà thầu thi công đang tập trung làm hầm và 4 ga ngầm, hiện gói thầu này đạt trên 4% tiến độ.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, tại cuộc làm việc của lãnh đạo Hà Nội với các bên liên quan, đại diện nhà thầu là liên danh Hyundai - Ghella (Hàn Quốc, Italy) cho hay gói thầu có bốn ga ngầm nhưng nay mới nhận mặt bằng của ga S9, một phần mặt bằng ga S10; hai ga S11 và 12 chưa được bàn giao mặt bằng.
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư trên 36.000 tỷ đồng, chiều dài tuyến đường 12,5 km, bao gồm 8,5 km đi trên cao từ Nhổn đến Kim Mã và 4 km đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội. Tuyến đường sắt có 8 ga trên cao, 4 ga ngầm và khu depot tại Nhổn.
Ban Quản lý dự án đặt mục tiêu đưa đoạn trên cao vào khai thác năm 2020, còn 4 km đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội dự kiến sẽ được khai thác vào năm 2022.
Nguồn: baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện