Vì sao dự án cao tốc Bắc - Nam chưa khởi công?

Thứ ba - 21/05/2019 13:00. Xem: 90
Dù đã 1 năm rưỡi được Quốc hội thông qua và hiện tất cả 11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc-Nam đã được giao vốn nhưng đến nay vẫn chưa khởi công.    

 

Keyword đầu tiên có dấu
Đồ họa hướng tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam

Vượt “núi” thủ tục phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết, tiến độ tổng thể dự án hiện vẫn đảm bảo so với tiến độ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018). “Thậm chí, đối chiếu với trình tự, thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật với dự án quan trọng quốc gia và thời gian thực hiện một số dự án tương tự, thời gian lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án cao tốc Bắc - Nam đã rút ngắn tối thiểu khoảng 3 tháng”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình quan trọng quốc gia, trong Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội và Nghị quyết 20/2018 về xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 của Chính phủ nêu rõ, dự án phải tuân thủ đúng trình tự pháp luật hiện hành. Do vậy, để khởi công, dự án phải trải qua quy trình, thủ tục rất chặt chẽ, gồm các bước: Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; GPMB; lựa chọn nhà thầu (dự án đầu tư công), nhà đầu tư (dự án PPP).

Trước tiên là quy trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của 11 dự án thành phần. Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. “Quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, các chủ đầu tư phải làm việc và thống nhất với các địa phương nơi dự án đi qua từ cấp xã, huyện đến tỉnh về hướng tuyến, các điểm khống chế, nút giao, hệ thống thoát nước, đường gom, hầm chui dân sinh,… Đồng thời, các chủ đầu tư còn phải thống nhất với Bộ NN&PTNT, các quân khu và Bộ Quốc phòng về các nội dung có liên quan”, ông Huy nói.

Tiếp theo, trong quá trình hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, các chủ đầu tư, tư vấn phải lập khung chính sách GPMB, báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phần vốn Nhà nước tham gia vào các dự án cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, về phần vốn Nhà nước tham gia vào 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, trong Nghị quyết 20 của Chính phủ ban hành ngày 28/3/2018 nêu rõ: Đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Từ kết quả thẩm định của Bộ GTVT, các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản giao Bộ GTVT căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của dự án được giao xác định mức vốn Nhà nước tham gia các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, trên cơ sở đó quyết định phê duyệt các dự án thành phần”, ông Huy chia sẻ và cho biết đến cuối tháng 10/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 654,3km, tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước. “Kể từ thời điểm Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sau 11 tháng Bộ GTVT đã hoàn thiện toàn bộ các thủ tục theo quy định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, rút ngắn tối thiểu khoảng 3 tháng so với các dự án tương tự”, ông Huy khẳng định.

Dự án triển khai bài bản, nhanh nhất từ trước đến nay

Ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật, dự toán và cắm cọc GPMB. Đến tháng 2/2019, đã lựa chọn đơn vị tư vấn cho toàn bộ 11 dự án thành phần. Hiện, các đơn vị tư vấn đã cơ bản hoàn thành khảo sát và đang tổ chức thiết kế kỹ thuật, dự toán.

“Trình tự triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phải căn cứ vào rất nhiều quy định của các luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu,... Đây là công trình quan trọng quốc gia, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo rõ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch. Ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, dự án còn phải tiến hành đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 30/2015, nên dự án được nghiên cứu rất kỹ lưỡng về phương án tài chính, thị trường, lãi suất ngân hàng,… Do vậy, thời gian triển khai sẽ kéo dài hơn so với các dự án đầu tư công trước đây. Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP

Trong đó, 3 dự án đầu tư công sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu trong tháng 5 và tháng 6/2019 (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn). Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 11/2019. Còn lại, 8 dự án PPP dự kiến đến cuối tháng 9/2019 sẽ hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán toàn bộ 8 dự án thành phần.

“So với tiến độ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018, đến nay tiến độ tổng thể của dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn bảo đảm”, ông Huy nói.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết: “So với các dự án giao thông quan trọng quốc gia khác, hay công trình giao thông trọng điểm sử dụng vốn nước ngoài, quy trình thực hiện chuẩn bị đầu tư của dự án cao tốc Bắc - Nam được Bộ GTVT làm rất bài bản, quyết liệt, nhanh nhất từ trước đến nay, lại vừa đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ dự án”.

Lý giải điều này, ông Sơn cho biết, đối với công trình giao thông trọng điểm quy mô lớn và trải dài, thông thường thời gian từ lúc thông qua chủ trương đầu tư đến khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi phải mất 1,5 - 2 năm, riêng công tác khảo sát địa hình, địa chất ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, đối với cao tốc Bắc - Nam chỉ mất 11 tháng để phê duyệt xong toàn bộ 11 dự án thành phần kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đó là sự vào cuộc, chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ GTVT.

“Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT đã thực hiện rất bài bản các thủ tục, về quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu,... nhưng cũng rất chủ động trong triển khai. Điển hình, sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT đã cho triển khai ngay thiết kế kỹ thuật và chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn tiến hành cắm cọc GPMB để đẩy nhanh tiến độ dự án, mặc dù việc cắm cọc GPMB thuộc giai đoạn thực hiện đầu tư, thông thường, dự án phải phê duyệt xong mới tiến hành.

Keyword đầu tiên có dấu
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ngày 22/11/2017, tiếp đó trải qua một loạt thủ tục và đến tháng 5/2019 mới bàn giao toàn bộ cọc GPMB cho các địa phương (Đồ họa quy trình thực hiện xây dựng cao tốc Bắc - Nam) - Đồ họa: Nguyễn Tường

Dự kiến khởi công từ cuối tháng 7/2019

Đề cập tiến độ khởi công của các dự án cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, 3 dự án thành phần áp dụng hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), theo quy định của Luật Đấu thầu, sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà thầu. Đối với hai dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn, dự kiến khởi công những gói thầu đầu tiên khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8/2019 và khởi công toàn bộ các gói thầu trong tháng 10/2019. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công khoảng tháng 1/2020.

Còn lại, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, căn cứ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 30/2015, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo hai giai đoạn sơ tuyển và đấu thầu nhà đầu tư. Về công tác sơ tuyển, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, để đảm bảo việc triển khai 8 dự án PPP tuân thủ đúng các quy định pháp luật Việt Nam, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ GTVT đã huy động 2 tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young tham gia hỗ trợ Bộ GTVT rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng,...

Thứ trưởng Nhật cho biết, ngày 15/5/2019, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển của toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển toàn bộ 8 dự án PPP khoảng đầu tháng 9/2019.

Đối với công tác đấu thầu quốc tế, căn cứ quy định hiện hành, sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án (cuối tháng 9/2019), Bộ GTVT sẽ cập nhật và hoàn thiện hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu nhà đầu tư. Đầu tháng 10/2019, Bộ GTVT sẽ phê duyệt hồ sơ mời thầu toàn bộ 8 dự án PPP. Sau đó, nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 90 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Thời điểm đóng thầu khoảng tháng 1/2020. Tiếp đến, Bộ GTVT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 3/2019; đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng khoảng tháng 4/2020.

“Trường hợp quá trình lựa chọn nhà đầu tư không phát sinh các tình huống phải làm rõ, xử lý và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan có thể khởi công các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong tháng 4/2020”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Nguồn: baogiaothong.vn

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây