Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tin rằng Hội thảo sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác
Hiện, nhu cầu về vận tải hành khách và hàng hóa ở các khu vực và trên thế giới ngày càng lớn, đến nay đặt ra nhiều thách thức đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Có thể thấy rằng ở nhiều quốc gia và khu vực, đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển vận tải và còn là điểm nghẽn của phát triển kinh tế. Theo ước tính của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, thiếu hụt cho nhu cầu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông toàn cầu là 01 nghìn tỷ USD, đã tạo ra nút thắt trong hệ thống hậu cần giao thông, kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu về nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là vấn đề được chính phủ các nước hết sức quan tâm. Hình thức đối tác công tư PPP là một cơ chế đầu tư tài chính hữu ích, có thể giúp huy động các nguồn vốn tư nhân, tăng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giải quyết các nút thắt và đem lại lợi ích kinh tế cho quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Do đó, Bộ GTVT Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ GTVT Hoa Kỳ trong việc phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm đầu tư phát triển giao thông đường bộ bằng hình thức đối tác công - tư PPP giữa các nền kinh tế thành viên APEC và các quốc gia Nam Á.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực cải cách các chính sách nhằm huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đã có 68 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện theo mô hình đối tác công – tư (chủ yếu là mô hình BOT) với tổng mức đầu tư 209.732 tỷ đồng, trong đó đã hoàn thành và đưa vào khai thác 61 dự án. Trong giai đoạn từ 2017 – 2020, chúng tôi đang tập trung thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam có chiều dài 1978 km (đã hoàn thành 654 km) với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng theo hình thức BOT.
“Tuy nhiên, đến nay kết quả kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông đường bộ dưới hình thức PPP chưa thực sự được như mong muốn. Một số nguyên nhân chính là hệ thống quy định pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn như quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro, cán bộ triển khai các dự án PPP còn thiếu năng lực và kinh nghiệm”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Thứ trưởng cũng chia sẻ mong muốn Hội thảo sẽ không chỉ là diễn đàn chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia đến từ Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ, các nền kinh tế thành viên APEC và các nước Nam Á mà còn đưa ra các giải pháp để nghiên cứu áp dụng trong phát triển giao thông đường bộ mà còn mở ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa các nền kinh tế APEC và các nước Nam Á trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.
"Những Hội thảo như này sẽ là cơ hội góp phần thúc đẩy kết nối giao thông vận tải trong khu vực và trên thế giới", Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Các thành viên dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trong hơn 02 ngày làm việc, các thành viên tham dự Hội thảo sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi một cách thẳng thắn về các vấn đề quan trọng liên quan đến đầu tư PPP trong lĩnh vực đường bộ, như: Khung pháp lý và cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ theo hình thức PPP; Vai trò của Bộ GTVT và các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xem xét và ra quyết định đầu tư cũng như trong quá trình quản lý và giám sát hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ theo hình thức PPP; Những nội dung cụ thể về lựa chọn dự án, chuẩn bị dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phương án đảm bảo dự án khả thi về tài chính, phương pháp xác định mức phí và cách thức xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, khai thác các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện