PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường Đại học GTVT phát biểu tại hội thảo |
Chiều nay (10/9), Trường Đại học GTVT phối hợp với Tập đoàn Skyway tổ chức hội thảo khoa học về công nghệ loại hình GTVT trên cao Skyway.
Ông Frantisek Solar, trưởng đoàn đại biểu Tập đoàn Skyway cho biết, công nghệ Skyway cho phép nhiều loại hình vận tải: vận tải hành khách, vận tải hàng hóa hoạt động trên cùng một hạ tầng (dành riêng cho phương tiện Skyway) với 3 thể loại chính, được điều khiển tự động, gồm: Junibus (Urban transpost) kết nối trong đô thị và giữa các đô thị lớn với nhau, có vận tốc lên đến 150 km/h, sức chở lên đến 100 người; JuniKar (Freight transpost) là thể loại vận chuyển vật liệu có tốc độ 120 km/h trong khoảng cách 10.000 km, sức chở lên tới 200 triệu tấn/năm; Junil’ot (High speed transpost) là thể loại tàu cao tốc với nhiều thiết kế từ 2 - 100 chỗ, đạt tốc độ 500 km/h, sức chở 1 triệu người/ngày trong khoảng cách 10.000 km.
Cũng theo ông Frantisek Solar, công nghệ Skyway là giải pháp năng lượng tái tạo, có thể xây dựng trên mọi địa hình khác nhau, từ đô thị đến miền núi, miền biển, đã được nhiều quốc gia như: Nga, Úc, Ấn Độ, khối Ả Rập ký kết hợp tác ứng dụng. “Đây cũng là giải pháp có tốc độ thi công nhanh, giá thành xây dựng rẻ. Chi phí cho 1km đường tuỳ thuộc địa hình và tính năng chỉ từ khoảng 2 - 6 triệu USD (không tính phương tiện)”, ông Frantisek Solar nói.
Công nghệ Skyway giúp nhiều loại hình có thể di chuyển trên cùng một hạ tầng, giúp tiết kiệm thời gian vận tải tối đa - Ảnh minh họa |
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học GTVT cho rằng, những năm qua, hạ tầng giao thông của Việt Nam phát triển cả 5 loại hình. “Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải ngày càng tăng, chúng ta cần nghiên cứu loại hình vận tải mới hội tụ đầy đủ yếu tố của loại hình giao thông tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0”, ông Chương nói và cho biết, với những tính năng ưu việt mà công nghệ Skyway đem lại như: giảm thời gian vận chuyển, giảm ách tắc giao thông, thời gian tới đây, Trường Đại học GTVT và Tập đoàn Skyway sẽ ký kết hợp tác để cùng nghiên cứu ở Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ Skyway tuy có lợi thế về thời gian vận chuyển, song khối lượng vận chuyển hàng hóa không cao nên công nghệ này có thể nghiên cứu áp dụng trong giao thông đô thị, giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Tuy vậy, việc ứng dụng cần phải đánh giá trên nhiều yếu tố cả về mức độ phù hợp, chất lượng và tài chính.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện