Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông xe toàn tuyến góp phần phát triển thông thương, tăng nhiệt thị trường BĐS giữa các địa phương |
Kỳ 1: Kết nối logistics, rộng mở khai thác quỹ đất vàng
Tuyến cao tốc 140km đầu tiên tại khu vực miền Trung, kết nối 3 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang mở ra triển vọng to lớn về phát triển thông thương, kết nối chuỗi giá trị logistics và hút vốn đầu tư tăng nhiệt thị trường bất động sản.
Giảm chi phí vận tải
Hơn chục ngày sau khi thông toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến gia tăng nhanh chóng. Dọc chiều dài hơn trăm km, tầm vóc cao tốc mở ra trước mắt với quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng đỗ khẩn cấp, hệ thống biển báo, hộ lan, dải phân cách tích hợp các giải pháp đảm bảo ATGT, hướng dẫn giao thông thông minh cho người đi đường. Trên tuyến hệ thống các nút giao được bố trí hợp lý đảm bảo cho các phương tiện nhập, tách làn phù hợp. Riêng 2 nút giao Chu Lai, Dung Quất chưa đưa vào khai thác vì chờ đường kết nối của địa phương.
"Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào vận hành tạo cơ hội mới để phát triển kinh tế toàn diện các địa phương trong vùng, nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Cùng với đó, sẽ nâng cao đời sống người dân, để họ được hưởng những lợi ích mà công trình mang lại”. Phó Thủ tướng "Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tạo trục giao thông trọng điểm kết nối thông thương, thúc đẩy hàng hóa lưu thông, sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực. Từ đây, các khu kinh tế, khu công nghệ trên địa bàn sẽ kết nối, tạo chuỗi giá trị logistics hiệu quả”. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Các tài xế xe khách, xe tải thường xuyên chạy trên tuyến chia sẻ, việc khai thác đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi, kết nối toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã giảm tối đa thời gian lưu thông, không lo tắc đường, ùn ứ và xung đột giao thông. Tính toán cho thấy, với tốc độ tối đa lên đến 120km/h (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ) và 100km/h (Tam Kỳ - Quảng Ngãi), để đi hết tuyến, các phương tiện mất chừng 1 giờ 30, rút ngắn 60-90 phút hành trình, tiết kiệm đáng kể xăng dầu. Đặc biệt, dự án đưa vào khai thác còn rộng mở cánh cửa thông thương, phát triển kinh tế - xã hội với các địa phương, khu vực…
Anh Bùi Anh Sơn, tài xế ô tô 7 chỗ BKS 43A-052.52 cho hay: “Có cao tốc, đi lại quá an toàn và tiện ích. Một xe dưới 12 chỗ đi hết tuyến cao tốc mất 180.000 đồng tiền phí, gấp gần 2,5 lần so với vé 2 trạm thu phí BOT QL1, nhưng bù lại, giảm chi phí nhiên liệu, hao mòn phương tiện, đảm bảo ATGT và đặc biệt rút ngắn thời gian di chuyển, anh Sơn chia sẻ.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa Đà Nẵng, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mở ra những cơ hội vận tải to lớn cho các doanh nghiệp vận tải. Hạ tầng giao thông được nâng cấp, hiện đại, thông thoáng và an toàn. Tuyến cao tốc đầu tiên miền Trung này không chỉ có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng mà còn góp phần phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia qua hành lang kinh tế Đông - Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam.
Lãnh đạo Ban ATGT Quảng Ngãi cho biết, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi góp phần phân lưu QL1, giải quyết vấn nạn “đứt đường” QL1 trong mùa mưa lũ, thiên tai, đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT. Theo ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), chỉ tính riêng đoạn tuyến JICA (Đà Nẵng - Tam Kỳ) sau hơn một năm đưa vào khai thác đã phục vụ khoảng 1 triệu lượt phương tiện đi lại, nhưng chỉ xảy ra 2 vụ TNGT do phương tiện tự gây ra, không phải lỗi kết cấu hạ tầng. Công trình đáp ứng tiêu chí lưu thông nhanh chóng, an toàn và tiện ích.
Kết nối logistics, tăng nhiệt thị trường
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc THACO Trường Hải cho biết: “Đón đầu giao thông kết nối của tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, THACO đã và đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực logistics với mục tiêu chiến lược xây dựng cảng Chu Lai trở thành Trung tâm Dịch vụ logistics hàng đầu miền Trung. Nhiều năm nay, khu vực này đã hình thành và cung ứng chuỗi dịch vụ logistics trọn gói bao gồm: Vận tải biển, cảng biển, vận tải đường bộ và kho bãi, đáp ứng nhu cầu giao nhận - vận chuyển hàng hóa của các nhà đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai và các vùng lân cận. Thông qua cảng Chu Lai, các doanh nghiệp có thể xuất - nhập khẩu hàng hóa đến Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực”, ông Tài nói.
Cũng theo ông Tài, có cao tốc, lượng hàng hóa từ các khu vực về cảng và từ cảng đi các khu vực sẽ nhiều hơn, thời gian vận chuyển được rút ngắn và chi phí logistics cũng giảm đáng kể, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của các doanh nghiệp.
Ban tổ chức nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28/8/2018 - 1/8/2019. (Thời gian tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Giao thông, số 2 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội. Email: bangiaothong@baogiaothong.vn; Điện thoại đường dây nóng: 0914799709. Ghi rõ trên bì thư hoặc email: “Bài tham Cuộc thi Báo chí viết về Giao thông vận tải và thông tin cá nhân: Tên thật, địa chỉ, điện thoại, email để tòa soạn tiện liên lạc. |
Không chỉ vận tải, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt thị trường bất động sản (BĐS) tại các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vốn đang ảm đạm bắt đầu “tăng nhiệt” nhờ cao tốc. Tại Quảng Ngãi, dù thị trường bất động sản được đánh giá là trầm lắng thời gian qua, chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây đã bắt đầu tăng nhanh về giá cả, lượng giao dịch. Thống kê, có khoảng 15 dự án BĐS đang được triển khai trên địa bàn, tập trung ở đầu tuyến TP Quảng Ngãi. Dự báo, sắp tới, Quảng Ngãi sẽ có khoảng 40 dự án BĐS được triển khai. Ghi nhận của PV, giá cả giao dịch đất nền tại các dự án trung tâm Quảng Ngãi tăng giá 1,5-2 lần so với thời điểm năm 2015-2016. Cụ thể, tại khu vực đường Phan Đình Phùng, giá đất nền tăng mức 12-20 triệu đồng/m2 (trước 6-10 triệu đồng). Những vị trí tốt, mặt tiền trên đường Phan Đình Phùng tăng giá từ 1,5 tỷ đồng/nền (125m2) tăng lên 3,8 tỷ đồng…
Tương tự, các lô nền mặt tiền đường Trường Chinh tăng giá gấp đôi từ khoảng 700-800 triệu đồng/nền (100m2) lên 1,8-1,9 tỷ đồng. Mặt tiền đường Hai Bà Trưng từ 1,1 tỉ đồng/nền 100m2 lên khoảng 2,8 tỉ đồng/nền 100m2. Các khu đô thị như: VSIP, An Phú Sinh, Bắc Lê Lợi... mở bán đã thu hút được nhiều khách hàng, giá đã tăng 20 - 30% so với lúc mở bán đầu năm 2018. Không chỉ tăng về giá, số lượng giao dịch theo thống kê của các sàn giao dịch tại Quảng Ngãi đến nay cũng đã tăng gấp 20 lần so với năm 2015. Đáng kể, khu vực ven hai bờ sông Trà Khúc thu hút hàng loạt nhà đầu tư, triển khai các dự án khu đô thị Thăng Long Angkora Park, trung tâm du lịch văn hóa tâm linh Thiên Mã, công viên trung tâm TP Quảng Ngãi…
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Dana Home Land (Đà Nẵng) cho hay, hạ tầng giao thông kết nối, cao tốc thông tuyến, cùng tiềm năng tại địa bàn Quảng Ngãi đã thúc đẩy thị trường BĐS tăng nhiệt. Đón đầu xu hướng này, ngay từ đầu năm 2018, Dana Home Land đã mở rộng chi nhánh tại Quảng Ngãi và xúc tiến các dự án BĐS trọng điểm.
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện