Chi 400 tỷ đồng xóa 500 điểm đen TNGT

Thứ năm - 01/03/2018 12:00. Xem: 88
 Một trong những giải pháp nhằm kéo giảm TNGT được xác định là xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.      

 

11

Điểm đen TNGT tại Km 34+600 trên QL1B

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, năm 2018, tổng cục sẽ rà soát, ưu tiên dành khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì để xử lý ngay khoảng 500 điểm đen có tính chất nguy hiểm, cấp bách.

Hàng trăm điểm đen TNGT trên quốc lộ

QL4B qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn dài 80km nhưng có đến 8 điểm đen TNGT. Có mặt tại Km 18+150 - Km 18+900, điểm đen xảy ra tới 6 vụ, làm 3 người chết, 7 người bị thương, chúng tôi nhận thấy đây là đoạn đường cong bán kính nhỏ và khuất tầm nhìn. Nhiều phương tiện không chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát nên khi vào cua lấn sang phần đường bên cạnh, nếu trường hợp đó gặp xe đi ngược chiều thì tai nạn rất dễ xảy ra.

Tương tự, trên QL1B, có 9 điểm đen TNGT chưa được xử lý và 20 vị trí tiềm ẩn TNGT. Thống kê cho thấy, trên tuyến đường này đã xảy ra hàng chục vụ với hàng chục người chết và bị thương. Bên cạnh ý thức chủ quan của người tham gia giao thông còn một nguyên nhân khác đó chính là việc bố trí hạ tầng giao thông chưa hợp lý. Dọc theo tuyến đường, có nhiều điểm cua gấp, đường cong bán kính nhỏ, nguy hiểm, khuất tầm nhìn và chạy qua khu dân cư.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho hay, năm 2017 Sở đã xử lý được 6 điểm. Con số này rất nhỏ so với 33 điểm đen TNGT trên hệ thống quốc lộ qua địa bàn tỉnh chưa được xử lý. Theo kế hoạch năm 2018, cũng chỉ giải quyết được 6 điểm và đến năm 2020 mới xử lý hết số điểm đen đang tồn tại. “Không thể xử lý số điểm đen TNGT trên trong một vài năm vì còn phụ thuộc vào nguồn vốn. Nếu giải quyết triệt để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật cần đến số tiền khoảng 150 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn bảo trì được phân bổ hàng năm cũng chỉ tương đương con số này”, ông Hải nói.

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên hệ thống quốc lộ còn gần 800 điểm, gồm 230 điểm đen và 550 điểm tiềm ẩn TNGT với kinh phí trên 2.000 tỷ đồng. Trong số này có 20 điểm trong dự án BOT, 13 điểm nằm trong dự án xây dựng cơ bản, 773 điểm nằm trong đoạn đường đang bảo trì.

“Theo quy định tại Thông tư 26 của Bộ GTVT, tiêu chí xác định điểm đen là căn cứ vào số vụ TNGT xảy ra trong một năm. Theo đó, một điểm được coi là điểm đen TNGT mỗi năm xảy ra 2 vụ TNGT có người chết hoặc 3 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 1 vụ có người chết hoặc 4 vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương”, ông Lăng cho hay.

Có hết được điểm đen TNGT?

Theo ông Lăng, việc tồn tại số lượng lớn điểm đen TNGT có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khảo sát, thiết kế, thẩm định chưa chuẩn. Chẳng hạn, với đường cấp 4, theo quy định, bán kính cong tối thiểu tại những đoạn đường vòng vèo phải đạt 60m để đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện. Tuy nhiên, do sự “châm chước”, có nơi bán kính vòng cung chỉ đạt 40m, thậm chí có những nơi do điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, để giảm bớt khối lượng đào đắp, bán kính cong chỉ còn 25m.

Ông Lăng cho rằng, muốn xử lý triệt để điểm đen, nhất là với các tuyến miền núi, phải bỏ chi phí để nâng bán kính từ 25m lên 40m hoặc 60m.

Ngoài ra, với những điểm đấu nối từ đường ngang dân sinh vào hệ thống quốc lộ cũng cần được thống kê, tổng hợp để từ đó có đề xuất xử lý triệt để. “Quan điểm của Tổng cục Đường bộ VN là kiên quyết xử lý vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người”, ông Lăng nói và nhấn mạnh: Các Cục Quản lý đường bộ khu vực, các Sở GTVT được quản lý ủy thác cần có đánh giá chính xác nguyên nhân các vụ tai nạn để làm cơ sở đề xuất biện pháp khắc phục.

Đồng tình quan điểm này, PGS. TS. Từ Sỹ Sùa, chuyên gia cao cấp về giao thông đường bộ cho rằng, TNGT xảy ra phụ thuộc vào 4 yếu tố: Điều kiện đường, con người, phương tiện, môi trường dân cư. Việc tập trung xóa điểm đen là xóa những yếu tố tiềm ẩn TNGT. Song phải nhìn nhận rằng, những vụ tai nạn xảy ra gần đây, nhất là với xe khách liên tỉnh cho thấy hoàn toàn do người điều khiển phương tiện. Do đó, việc xóa điểm đen chỉ là hỗ trợ, chứ không phải xóa điểm đen sẽ hết tai nạn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện nói: “Điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT luôn phát sinh trong quá trình khai thác, do các yếu tố lưu lượng xe ngày càng tăng cao, tốc độ lưu thông nhanh hơn, các hoạt động dân sinh, KT-XH tác động đến cầu đường. Riêng năm 2017, phát sinh thêm trên 400 điểm. Do vậy, không thể xử lý hết các điểm này”.

“Năm 2017, Tổng cục Đường bộ VN đã đầu tư xử lý trên 400 điểm đen TNGT. Sang năm 2018, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, ưu tiên dành khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì để xử lý ngay khoảng 500 điểm đen có tính chất nguy hiểm, cấp bách và các điểm kinh phí nhỏ. Với các điểm tiềm ẩn TNGT đòi hỏi kinh phí khắc phục lớn, trước mắt sẽ xử lý tạm và xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc các dự án xây dựng cơ bản”, ông Huyện cho hay.

Nguồn: baogiaothong.vn

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây