Cả ACV và Vietjet Air đều đề xuất được đầu tư nâng cấp sân bay Cát Bi - Ảnh: H.H |
Chủ trì cuộc họp với UBND TP Hải Phòng, Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV), Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) về phương án đầu tư xây dựng nâng cấp CHK quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) ngày 6/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao 2 đơn vị đề xuất phương án cụ thể. Sau 15 ngày, các đơn vị phải hoàn thành đề xuất, phương án nào khả thi, hiệu quả hơn sẽ được lựa chọn để báo cáo Chính phủ.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nhà ga hành khách Cát Bi được thiết kế công suất 2 triệu lượt khách/năm, hàng hóa 800.000 tấn/năm. Số lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa tại sân bay này từ năm 2010 đến nay tăng nhanh, đến năm 2016 hành khách tăng 41,4% và hàng hóa tăng 18,1% so với năm 2015. Hiện, sản lượng vận tải khách đã có dấu hiệu vượt công suất thiết kế (6 tháng đầu năm 2017 đón hơn 1.087.000 khách). Dự báo đến năm 2030 sẽ đạt hơn 9,3 triệu lượt khách, với mức tăng bình quân 12%/năm về hành khách và hàng hóa sẽ tăng bình quân 20%/năm.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải, giai đoạn năm 2017- 2021, CHK Cát Bi cần được đầu tư nâng cấp, trong đó có một số công trình quan trọng như Nhà ga hành khách T2, sân đỗ máy bay, sân đỗ ô tô và công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với nhà ga, nhà ga hàng hóa; sửa chữa, xây dựng đường lăn song song... Ngoài ra, khi lượng khách đạt hơn 10 triệu lượt/năm, cần phải xây dựng thêm đường băng thứ hai tại sân bay Cát Bi.
Báo cáo với Bộ trưởng, các đơn vị cho biết, hiện ACV và Vietjet Air đều đề xuất được đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Cát Bi, với nguồn vốn ước tính khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, cũng như khẳng định đảm bảo đủ nguồn lực để triển khai, đảm bảo tiến độ chất lượng.
Về phía địa phương, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết, dù nhà đầu tư nào thực hiện dự án, địa phương cũng cam kết hỗ trợ tối đa và đảm bảo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nhu cầu thực tế đòi hỏi phải sớm đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Cát Bi theo quy hoạch đã được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển KT-XH tại địa phương và khu vực. Vấn đề này được Bộ GTVT chỉ đạo cách đây vài năm, đồng thời giao cho ACV triển khai, nhưng việc triển khai lại chậm trễ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với TP Hải Phòng đề xuất phương án tư nhân đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ lựa chọn phương án cụ thể tối ưu nhất để đề xuất. “Cả ACV và Vietjet Air cùng đề nghị đầu tư, vì vậy Bộ GTVT giao 2 đơn vị đề xuất phương án cụ thể. Sau 15 ngày các đơn vị phải hoàn thành đề xuất, phương án nào khả thi, hiệu quả hơn sẽ được lựa chọn để báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Cục, Vụ chức năng rà soát quy hoạch sân bay Cát Bi; tham mưu phương thức quản lý phù hợp hơn đối với tài sản Nhà nước tại các sân bay; sơ kết, đánh giá về phương thức quản lý bay mới tại sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh...
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện