Từng bước triển khai tự động hóa toàn diện để theo kịp cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0

Chủ nhật - 26/11/2017 12:00. Xem: 90
Sáng ngày 24/11, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức tọa đàm “Cách mạng Công nghiệp 4.0 — Cơ hội và thách thức trong ngành GTVT". Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã tới dự và chủ trì cuộc tọa đàm.    

 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì tọa đàm.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Trần Quang Hà, Ngành Giao thông vận tải Việt Nam luôn được Đảng và Chính phủ coi là trọng tâm trọng điểm trong chiến lược phát triển đất nước qua các thời kỳ, với sự ảnh hưởng do sử dụng nguồn tài nguyên, tài lực, vật lực và đặc biệt là nhân lực rất lớn trong chiến lược tổng thể. Ngành GTVT sử dụng, khai thác sản phẩm dịch vụ của hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, luôn ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhất nhằm đảm bảo an toàn và thông suốt mạch máu giao thông quốc gia. Đồng thời các sản phẩm chính của ngành có một ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa dịch vụ của tất cả các ngành kinh tế xã hội khác, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn nền kinh tế đất nước. Do đó sự quan tâm quản lý của nhà nước, cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ là vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cho ngành thực hiện thắng lợi chỉ thị 16/CT-TTg về Công nghiệp 4.0, đưa ngành GTVT cùng đất nước phát triển.

Thông qua cuộc tọa đàm, ông Hà mong muốn các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến về kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giao thông vận tải triền khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tăng cường, phát huy hiệu quả năng lực của các loại hình vận tải cũng như công tác quản lý điều hành giao thông vận tải trong những năm tới.

Tại Hội thảo, các diễn giả đều thống nhất cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng ngày một sâu sắc hơn đến mỗi quốc gia, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Trong đó có sự khác biệt lớn với các cuộc cách mạng công nghiệp trước là sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn và công nghệ thông tin trong đời sống, sản xuất.

Theo PGS. TS. Trương Gia Bình Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, không còn cách nào khác, GTVT phải đi trước đón đầu phát triển ngành trên nền tảng công nghiệp 4.0, đây có thể là ưu tiên hàng đầu để thoát khỏi “trì trệ” từ công nghiệp 1.0 với phương thức vận tải cơ khí, đến công nghiệp 2.0 công nghiệp hóa phương tiện vận tải, đến công nghiệp 3.0 tự động hóa với giao thông thông minh và đến công nghiệp 4.0 kết nối, chia sẻ các phương thức vận tải.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ  trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, ngành GTVT đang nằm chung trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với những tác động đang biến đổi sâu sắc đến nhận thức, cấu trúc, vận hành của Ngành. Thực tế cho thấy hiện nay việc kết nối vạn vật đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực vận tải đường bộ tại Việt Nam, mà nổi bật là các mô hình Uber, Grab. Do vậy, Thứ trưởng cho rằng buổi tạo đàm là cơ hội để cùng nhau phân tích, đánh giá, nhìn nhận ra vấn đề giúp cho quản lý hoạt động của Ngành phát triển theo kịp với thế giới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết căn bản tình trạng mất cân đối thị trường vận tải giữa các phương thức vận tải. Quan trọng nhất là ngành GTVT sẽ xây dựng “chiến lược số hóa”, ứng dụng quản trị thông minh, từng bước triển khai tự động hóa toàn diện trong mọi lĩnh vực giao thông để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời phát huy nội lực, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Đây chính là cốt lõi đột phá của công nghệ 4.0 và là thách thức cần giải quyết của ngành GTVT. 

Nguồn: http://mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây