Phá thế cô đơn của Phú Yên
Từ lâu, Phú Yên đã được mệnh danh là xứ sở “phú quý và bình yên”, hội tụ đầy đủ “rừng vàng biển bạc” mà hiếm nơi nào có được. Tuy nhiên, suốt bao nhiêu năm qua, Phú Yên vẫn không thể vươn mình lớn mạnh như kỳ vọng, mặc dù đã nỗ lực phấn đấu, cố gắng rất nhiều.
Một trong những lý do, đó là bởi Phú Yên có địa thế khép kín của một “thung lũng cô đơn”, với phía Nam là dãy Đèo Cả sừng sững, phía Bắc là đèo Cù Mông trập trùng, phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, bề còn lại là biển Đông xanh thẳm. Bị ngăn cách cô lập đã khiến cho tỉnh Phú Yên không thể hội tụ được những trợ lực bên ngoài, đồng thời đô thị Tuy Hòa cũng trở nên tách biệt với 2 trung tâm đô thị lớn của miền Trung sát bên sườn là Quy Nhơn và Nha Trang.
Hầm đường bộ Đèo Cả sẽ góp phần phát triển kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên. |
Suốt thời gian dài, chưa ai nghĩ được biện pháp để khai thông thế bế tắc, phá thế cô lập của mảnh đất này. Thế rồi, khi công trình hầm Hải Vân đi vào hoạt động (năm 2007), ý tưởng đã sáng lên le lói. Tuy vậy, cho đến khi Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả bắt tay vào đầu tư Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, người ta mới tin rằng, sẽ có ngày thế cô lập của “thung lũng” Phú Yên được phá dỡ.
Sau nhiều tháng thi công khẩn trương, công trình hầm đường bộ Đèo Cả nay đã chính thức thông xe kỹ thuật. Từ thời điểm này, xe cộ trên con đường thiên lý Bắc - Nam khi đi qua Phú Yên sẽ không phải rùng mình lo sợ vì phải chinh phục Đèo Cả cao vời vợi nữa. Đồng thời, sự kiện cũng mở ra một trang sử mới đối với tỉnh Phú Yên.
Trong những buổi tiếp xúc báo chí, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhiều lần nói về sự cần thiết khai thông các tuyến giao thông huyết mạch, xem đây là điều kiện tiên quyết để giải bài toán phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên.
Bây giờ, khi Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đưa vào sử dụng và hầm Cù Mông sắp thông hầm, ông Hiến thở phào nhẹ nhõm khi mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên đã trở thành hiện thực với việc “chinh phục” hai ngọn đèo Cù Mông, đèo Cả, vốn như hai trường thành chia cách tỉnh Phú Yên với bên ngoài trong suốt chiều dài lịch sử. Chỉ vài năm nữa thôi, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ tạo thành thế chân kiềng, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, thúc đẩy kinh tế phát triển.
“Với chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả qua việc đầu tư hai tuyến hầm Đèo Cả và đèo Cù Mông đã mang lại cho Phú Yên niềm hy vọng mới, đây là một bước ngoặt cho phát triển kinh tế trong những năm tới”, ông Hiến chia sẻ.
Mở ra cơ hội cho toàn vùng
Từ hầm Đèo Cả, Cù Mông đến Hải Vân, ba hạng mục thuộc Dự án hầm Đèo Cả do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư cùng chung mục đích, đó là tháo “nút thắt” để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng sâu và thiết thực hơn, đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg về xúc tiến đầu tư, trong đó khẳng định về vai trò của sự liên kết vùng trong xúc tiến.
Trong một lần thị sát dự án, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận định, hầm Đèo Cả đưa vào hoạt động không chỉ giúp xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, đoạn giáp ranh Khánh Hòa - Phú Yên, mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho miền Trung - Tây Nguyên và toàn khu vực.
Đúng như đánh giá của Phó thủ tướng, công trình hầm Đèo Cả khi đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội mới cho toàn khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Từ đây, khoảng cách giữa ba cụm đô thị phát triển vùng là Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang được rút ngắn, đồng thời chiến lược liên kết vùng (giữa các địa phương duyên hải miền Trung và duyên hải miền Trung với Tây Nguyên) vốn gặp rất nhiều trở ngại do điều kiện địa lý sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Nhìn nhận về vai trò liên kết vùng, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII và TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đều khẳng định, để Vùng duyên hải miền Trung phát triển xứng tầm thì nhất thiết phải liên kết. Việc liên kết có hiệu quả hay không tùy thuộc vào điều kiện liên kết hạ tầng, cho đến các cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên vẫn là cơ hội giao thương giữa các địa phương có thuận lợi không, phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng cứng như đường bộ, đường sắt và hàng không.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, trong chiến lược phát triển Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định định vị được hướng phát triển thành phố trong tương lai là mở rộng theo hướng Đông Bắc hoặc hướng Tây. Ở hướng Đông Bắc, tỉnh sẽ dựa trên tuyến đường ven biển kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với Sân bay Phù Cát. Hướng Tây sẽ lấy tuyến Quốc lộ 1A và tuyến Quốc lộ 19 - một huyết mạch được cho là cánh cửa của Tây Nguyên.
“Hiện tại, dọc tuyến Quốc lộ 1A đang được quy hoạch phát triển khá mạnh với ga Diêu Trì và cả vệt đô thị kéo dài đến chân đèo Cù Mông. Việc đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển về hướng Tây của TP. Quy Nhơn trong tương lai. UBND tỉnh Bình Định tin rằng, khi dự án này hoàn thành, sẽ góp phần mở toang cánh cửa cho Bình Định nói chung và TP. Quy Nhơn nói riêng phát triển”, ông Hồ Quốc Dũng cho biết.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện