Cầu vượt khác mức Ngã ba Huế |
Nhà đầu tư bất ngờ xin chuyển dự án từ BT sang BOT
Dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin kiến nghị của doanh nghiệp chủ đầu tư (Công ty TNHH BT Ngã ba Huế Trung Nam (đơn vị trực thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam – Trungnam Group) xin bố trí nguồn vốn trung hạn để thanh toán số tiền đầu tư công trình cầu vượt Ngã ba Huế; xin chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ Xây dựng - chuyển giao (BT) sang hình thức Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) và tiến hành lập các trạm thu phí ở các tuyến đường lên xuống cầu vượt, khu vực công trình thu phí hoàn vốn.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH BT Ngã ba Huế Trung Nam, công trình khởi công tháng 9/2013 với tổng số tiền đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Để có nguồn vốn triển khai dự án này, nhà đầu tư phải đi vay vốn thương mại của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Hơn 2 năm nay, công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác, hiện đến hạn thanh toán nguồn vốn vay. Thời gian qua, công ty có văn bản gửi các cơ quan chức năng để bố trí nguồn vốn hoàn trả nhưng chưa có kết quả.
Cầu vượt khác mức Ngã ba Huế là nút lập thể hình xuyến hoàn chỉnh kết hợp với cầu vượt 3 tầng được xem là lớn nhất Việt Nam. Ngay khi công trình hoàn thành, đưa vào khai thác mang lại hiệu quả to lớn, góp phần xóa điểm nghẽn ùn tắc giao thông; phát triển thông thương cửa ngõ thành phố, hạn chế TNGT, đảm bảo trật tự ATGT… |
“Công ty đang khó khăn về nguồn vốn, nếu dự án này không có nguồn trả cho SHB, doanh nghiệp sẽ bị đưa vào danh sách nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh khác của công ty”, ông Tiến nói.
Đại diện Công ty TNHH BT Ngã ba Huế Trung Nam cho biết thêm, dù có chủ trương bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2017-2020 để hoàn trả cho dự án nhưng đến nay các nguồn hầu như đều bị “cạn kiệt”…Phía chủ đầu tư lo ngại khi nguồn vốn dư QL1, QL14B không còn, nguồn ngân sách địa phương tập trung cho các công trình, dự án phục vụ APEC khiến các giải pháp bố trí vốn thanh toán dự án Ngã ba Huế không khả thi.
Đề xuất các giải pháp thu xếp nguồn vốn thanh toán cho dự án, ông Tiến kiến nghị UBND TP Đà Nẵng cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để chi trả cho dự án trong quý I/2017 theo như kế hoạch tài chính của dự án đã được UBND Đà Nẵng phê duyệt; UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho gia hạn thời gian thanh toán với lịch trình cụ thể được đưa vào kế hoạch của Chính phủ, đồng thời UBND thành phố cũng phải điều chỉnh lại phương án tài chính với tiền trả gốc, tiền trả lãi rõ ràng để Trungnam Group làm việc với SHB nhằm xin dãn thời gian thanh toán, tránh phát sinh nợ xấu. Phía chủ đầu tư đề nghị Chính phủ bố trí vốn thanh toán cho dự án từ nguồn kinh phí dự phòng của Chính phủ.
Không lập trạm thu phí
Trao đổi vấn đề này, tại buổi họp báo quý I/2017 của UBND TP Đà Nẵng (ngày 28/3), ông Đặng Việt Dũng khẳng định, không có chuyện lập trạm thu phí để hoàn vốn dự án. Đây là kiến nghị trong các giải pháp thu hồi vốn công trình của chủ đầu tư, đang được thành phố phối hợp giải quyết.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho hay, công trình được đầu tư theo hình thức BT. Về nguồn vốn thanh toán cho dự án, tháng 11/2016, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xem xét, bố trí nguồn vốn hoàn trả cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 – 2020. “Các bên (thành phố, chủ đầu tư, sở ngành chức năng) đang phối hợp để xây dựng phương án, sớm báo cáo Chính phủ, đề xuất việc xử lý nguồn vốn hoàn trả này. Không có chuyện doanh nghiệp lập trạm BOT tại cầu vượt Ngã ba Huế”, ông Trung nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, với vai trò là nhà bảo lãnh thanh toán cho dự án, thời gian qua, thành phố đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT tham mưu, bố trí vốn hoàn trả cho dự án này theo đúng kế hoạch thanh toán đã được Chính phủ chấp nhận. Cuối tháng 2 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có Công văn số 1304 gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ liên quan về tình hình bố trí vốn thanh toán cho dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế…
Ngay sau khi TP Đà Nẵng khẳng định không lập trạm BOT ở cầu vượt Ngã ba Huế này đã tạo sự đồng thuận, phấn khởi với người dân. Ông Nguyễn Hữu Huân (56 tuổi, đường Điện Biên Phủ) cho hay, mới nghe việc lập trạm, ai cũng giật mình. Bởi đây là khu vực trung tâm thành phố, người dân, phương tiện lưu thông rất lớn sẽ rất khó để đảm bảo tính ổn định, ANTT và bình đẳng cho người tham gia giao thông. Lãnh đạo UBND quận Thanh Khê cho biết, đây mới là kiến nghị của phía doanh nghiệp chứ chưa có phương án đề xuất thu phí cụ thể nhưng chắc chắn rất khó để tổ chức giao thông, thu phí phù hợp, hiệu quả.
Một chuyên gia giao thông cho rằng, hiện chưa có công trình giao thông nào khu vực trung tâm thành phố như ở Đà Nẵng thu phí BOT. Đây có thể là động thái để chủ đầu tư đề nghị các đơn vị chức năng sớm bố trí nguồn vốn thanh toán cho dự án trước áp lực đến hạn thanh toán ngân hàng. Từ câu chuyện này để thấy các cơ chế chính sách thu hút đầu tư giao thông cần có sự ổn định, thông thoáng, đảm bảo các giải pháp khả thi cho phía doanh nghiệp. Như thế mới khuyến khích các đơn vị tham gia và phát huy nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện