Cao tốc Bến Lức - Long Thành “khô khát” giữa dòng vốn

Chủ nhật - 26/03/2017 13:00. Xem: 70
Việc có đến 3/11 gói thầu xây lắp chưa thể tiếp cận được nguồn vốn được nhà tài trợ cam kết đã khiến công trình trọng điểm quốc gia – cao tốc Bến Lức – Long Thành khó có thể đưa vào khai thác toàn tuyến trong năm 2019.    

 Với sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư và sự quyết tâm của nhà thầu, ngày 22/12/2016 cầu Sông Chà   thuộc gói thầu J2, cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được hợp long, rút ngắn thời gian thi công 4 tháng

Với sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư và sự quyết tâm của nhà thầu, ngày 22/12/2016 cầu Sông Chà
thuộc gói thầu J2, cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được hợp long, rút ngắn thời gian thi công 4 tháng

Vốn đã sẵn

Theo thông tin của báo Đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Mình vừa thay mặt Chính phủ ký tờ trình đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định vay cho Dự án “Đường cao tốc Tiểu vùng Mekong mở rộng Bến Lức - Long Thành (Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành), khoản vay 2”, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trước đó, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, vào ngày 9/1/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã ký với đại diện ADB Hiệp định vay cho Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, khoản vay 2 - công trình trọng điểm quốc gia hiện do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm Chủ đầu tư.

Cụ thể, ADB cam kết cung cấp một khoản vay trị giá 286 triệu USD cho Dự án từ nguồn vốn vay thông thường (OCR) với thời gian trả nợ là 30 năm, trong đó có 7 năm ân hạn. Đây là phần vốn đã được cả Chủ đầu tư và nhà tài trợ lên kế hoạch để giải ngân cho 3 gói thầu xây lắp cuối cùng của Dự án là gói thầu A5, A6, A7.

Hiện công tác đấu thầu 3 gói thầu xây lắp A5, A6, A7 đã cơ bản hoàn thành, ADB đã chấp thuận kết quả đấu thầu và VEC đang tiến hành các thủ tục để sẵn sàng cho việc ký hợp đồng chính thức với các Nhà thầu xây dựng.

Mặc dầu vậy, ngay cả khi Hiệp định vay lần 2 được Chủ tịch nước phê chuẩn, dòng tiền cho 3 gói thầu đang khát vốn này cũng chưa thể được khơi thông.

Theo ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc VEC, để 286 triệu USD về Dự án, VEC cần phải được Bộ Tài chính chấp thuận cho ký hiệp định vay phụ cho khoản vay này.

Vướng mắc nằm ở chỗ, sau gần 4 tháng thẩm định (kể từ thời điểm Bộ GTVT có Quyết định 3789/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có báo cáo gửi Bộ Tài chính về đánh giá phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (khoản vay lần 2) vay vốn ADB theo phương án hòa chung 5 dòng tiền các dự án. Theo đó, với 3 phương án tính toán hiệu quả và khả năng trả nợ của Dự án do VDB xây dựng thì Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn chưa cân đối nguồn trả nợ.

Trong khi đó, theo đánh giá của VEC và Bộ GTVT thì phương án tài chính của Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sau khi hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư thì Dự án hoàn toàn khả thi về tài chính và có khả năng trả nợ.

“Đây là lý do, đến thời điểm hiện nay Bộ Tài chính vẫn chưa tiến hành ký kết hiệp định vay phụ lần 2 Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với VEC”, ông Cường cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án “Đường cao tốc Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) Bến Lức – Long Thành” là một trong 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư được triển khai thi công từ tháng 7/2014. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho toàn Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08/11/2013.

Trong quá trình triển khai dự án, để tiết kiệm chi phí tài chính (phí cam kết cho khoản vay chưa được giải ngân) nên Dự án được phía Việt Nam đề nghị và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thống nhất cam kết tài trợ theo thể thức phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Hiệp định vay cho giai đoạn 1 của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành trị giá 350 triệu USD ký ngày 5/5/2011.

“Khoản vay 1 được đầu tư để thực hiện xây dựng đoạn phía Tây gồm các Gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4. Các gói thầu xây lắp trên đoạn này đang được triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018”, lãnh đạo VEC cho biết.

Nguy cơ lãng phí lớn

Hiện áp lực đối với Dự án là rất lớn bởi, tính đến thời điểm hiện tại đã có 8/11 gói thầu xây lắp đã triển khai, gồm các gói thầu A1, A2-1, A2-2, A3 và A4 (phần vốn ADB phân đoạn phía Tây) và các gói thầu: J1, J2 và J3 (vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cho  phân đoạn ở giữa).

VEC cho biết, tiến độ tổng thể của toàn dự án đạt 46%, trong đó tiến độ các Gói thầu J1, J2, J3 và A2-1, A4 đều đảm bảo và vượt kế hoạch. Cụ thể, các gói thầu đoạn tuyến phía Tây do ADB tài trợ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018, các gói thầu thuộc đoạn tuyến do JICA tài trợ dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.

Điều đáng lo ngại là, theo dự kiến với tiến độ thi công 36 tháng thì 3 gói thầu A5, A6, A7 phải khởi công ngay thì mới có thể hoàn thành vào cuối năm 2019 (cùng thời điểm với các gói thầu xây lắp thuộc phần vốn JICA).

Nói một cách khác, tiến độ thi công của các gói thầu phía Đông A5, A6, A7 của khoản vay lần 2 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian hoàn thành tổng thể của cả Dự án khi đưa vào khai thác.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT, nếu các gói thầu A5, A6, A7 vì lý do nào đó chậm hoặc không được triển khai tiếp sẽ là một sự lãng phí to lớn và làm giảm hiệu quả đầu tư toàn Dự án. Đây là sự lãng phí lớn khi mà tổng kinh phí đầu tư cho 3 gói thầu phía Đông nguồn vốn ADB chỉ bằng 1/5 tổng mức đầu tư toàn Dự án.

Để gỡ khó cho Dự án, trên cơ sở đề xuất của VEC, Bộ GTVT đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng vốn vay ADB của khoản vay lần 1 để tạm ứng cho các gói thầu A5, A6, A7 (thuộc khoản vay lần 2).

Tính toán của Bộ GTVT cho thấy, đối với khoản vay lần 1 (350 triệu USD), hiện còn dư khoảng 74 triệu USD gồm các hạng mục dự phòng và tiết kiệm sau đấu thầu.

Chính vì vậy, nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn, tiết kiệm phí cam kết của Dự án, Bộ GTVT đã đề xuất với phía ADB để có thể sử dụng vốn của khoản vay lần 1 nêu trên cho các gói thầu A5, A6, A7 theo hình thức tạm ứng và phía ADB đã không phản đối

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, giải pháp này chỉ mang tính chất “giật gấu vá vai”, do vốn dư của khoản vay lần 1 là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế nên không đủ tháo gỡ nút thắt chính về vốn cho các gói thầu còn lại A5, A6, A7 của Dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KHKT cầu đường Việt Nam, đánh giá, các tuyến đường cao tốc mang lại hiệu quả vô cùng to lớn cho xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền, tuy nhiên hiệu quả tài chính mang lại cho Nhà đầu tư là không cao, chính vì thế việc thu hút nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư đường cao tốc là khó khăn do vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, khả năng sinh lời thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư (rủi ro về cơ chế chính sách, về tỷ giá ngoại tệ, lãi suất vốn vay, biến động về lưu lượng phương tiện…). Tuy nhiên để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vẫn cần thiết phải đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, đặc biệt là một dự án mang tính động lực cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như Bến Lức - Long Thành.

"Do yêu cầu cấp bách cần hoàn thành với quy mô đồng bộ để phát huy hiệu quả tổng thể của Dự án, việc ký kết hiệp định vay phụ lần 2 giữa Bộ Tài chính và VEC cần tiến hành sớm, để Chủ đầu tư có nguốn vốn tổ chức ký kết hợp đồng với các Nhà thầu thi công, đẩy tiến độ thi công ba gói thầu cuối cùng thuộc phân đoạn ADB phía Đông", ông Long bình luận.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng. Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính; trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cấp vốn cho phân đoạn phía Tây (Km0+600 - Km21+740), gồm các gói thầu: A1, A2-1, A2-2, A3, A4 và phân đoạn phía Đông (Km32+450 - Km57+700), gồm các gói thầu: A5, A6, A7; JICA cấp vốn cho phân đoạn giữa (Km 21+740 - Km32+450), gồm 3 gói thầu J1, J2, J3. Dự án khởi công ngày 19/7/2014 và dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2019. Quy mô chiều dài tuyến 57,8km; đường cao tốc loại A, 04 làn xe cơ giới, 02 làn dừng khẩn cấp; vận tốc thiết kế 100km/h.

Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; khai thác thế mạnh về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, tỉnh Đồng Nai; góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn: VEC/ Báo Đầu tư điện tử

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây