Thực tế khai thác đã vượt quá khả năng thiết kế CHK quốc tế Tân Sơn Nhất |
7 phương án chọn 1
Việc cần kíp phải điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất làm cơ sở để triển khai các dự án nâng cao công suất, hạn chế ùn tắc dưới mặt đất và trên không là điều không cần phải bàn cãi khi thực tế khai thác CHK này đã vượt quá khả năng thiết kế. Trong khi đó, CHK quốc tế Long Thành dự kiến phải sau năm 2025 mới có thể đưa vào sử dụng.
Vấn đề đặt ra hiện tại chỉ là xây dựng phương án nào cho CHK nhộn nhịp nhất nước để đảm bảo chi phí đầu tư phù hợp, hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo nâng cao năng lực cho Tân Sơn Nhất. Được biết, Công ty Tư vấn và thiết kế xây dựng công trình hàng không (ADCC) - đơn vị tư vấn lập phương án điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã đưa ra tới 7 phương án, được chia làm ba nhóm.
Để sớm triển khai kế hoạch nâng cao năng lực khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, ACV vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế này, trong đó xác định rõ quy mô, vị trí nhà ga hành khách và các đường lăn mới cần xây dựng. |
Cụ thể, phương án 1, cũng là phương án được Tư vấn JAC - Nhật Bản báo cáo, sẽ xây dựng một đường cất, hạ cánh (CHC) phía Bắc sân golf, cách đường CHC 25R/07L 1.800m và xây dựng hai nhà ga mới cùng công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf. Phương án 2, quy hoạch đường CHC thứ 3 về phía Bắc, trong đó, có ba phương án là đường CHC này cách đường CHC 25R/07L lần lượt 1.500m, 760m và 215m.
Nhóm phương án 3 (gồm ba phương án), không xây dựng đường CHC số 3 nhưng nghiên cứu vị trí khác nhau của nhà ga T3, T4. Theo đó, có thể xây dựng mới nhà ga T3, T4 ở phía Nam; Xây dựng mới nhà ga T3 ở phía Nam, T4 ở phía Bắc và phương án cuối cùng là chỉ xây mới một nhà ga T3 ở phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc ADCC, hiện CHK quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ có hai đường CHC cách nhau 365m nên muốn tăng công suất phải bổ sung đường lăn, sân đỗ. Trong trường hợp muốn tăng công suất lên trên 45 triệu khách/năm, buộc phải xây thêm đường CHC số 3. Tuy nhiên, khi xây dựng đường CHC số 3 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và quy hoạch của TP HCM. Đó là chưa nói đến việc kinh phí lớn lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng, thời gian xây dựng kéo dài cả chục năm.
Từ đây, ADCC đề xuất lựa chọn phương án 3: Xây mới nhà ga T3, T4 ở phía Nam.
Nhất trí với đề xuất của tư vấn, Tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho rằng, lựa chọn phương án này sẽ giúp tăng năng lực của Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu khách/năm. Đồng thời, thời gian thực hiện quy hoạch nhanh, chỉ 2-3 năm và chi phí ước tính chỉ hơn 19,3 nghìn tỷ đồng.
Phía Cục Hàng không VN, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cũng đồng tình khi cho rằng, lựa chọn phương án trên là phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành Hàng không, của địa phương và tiến độ thực hiện đầu tư CHK quốc tế Long Thành.
Được biết, trong lần báo cáo Thường trực Chính phủ mới đây nhất, Bộ GTVT cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án điều chỉnh này.
Sân bay thông, đường ngoài sân bay có thoáng?
Có thể thấy, kịch bản phát triển của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã cơ bản có được sự thống nhất của nhiều cơ quan, đơn vị, chỉ chờ quyết định từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, như Báo Giao thông đã nhiều lần đề cập, vấn đề của Tân Sơn Nhất không chỉ nằm trong khu vực sân bay mà còn ở bên ngoài, không chỉ ở giao thông trên trời mà còn cả ở giao thông tiếp cận sân bay.
Thực tế, theo báo cáo của UBND TP HCM, hiện tại, có tới 8 dự án giao thông liên quan đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đang được phê duyệt triển khai. Có thể kể đến các dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình); Xây dựng cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp); Dự án cải tạo mở rộng các đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý và dự án tuyến đường sắt đô thị số 2.
Cùng đó, thành phố cũng đang nghiên cứu bốn dự án khác gồm: Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; Mở rộng đường Tân Sơn; Tuyến Metro 4b-1 và tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn I từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn.
Ngoài ra, theo thông tin của Báo Giao thông, các nhà đầu tư cũng đang đề xuất ba dự án khác gồm: Tuyến đường bộ trên cao số 1, dự án hệ thống đường trên cao giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây hầm chui tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi.
Trả lời câu hỏi liệu khi các dự án đang triển khai hoàn thành, giao thông xung quanh Tân Sơn Nhất sẽ được cải thiện, đường sẽ thông thoáng, một chuyên gia giao thông cho biết, rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác. Thực tế, mật độ phương tiện giao thông tại các tuyến đường tiếp cận sân bay hiện đã quá lớn, trong khi lượng khách qua cảng vẫn tiếp tục tăng mỗi năm.
“Nói là không cải thiện không đúng, nhưng tôi chỉ lo thoát được chỗ này lại ách chỗ khác”, vị này nói và cho rằng, muốn giải quyết vấn đề bên ngoài Tân Sơn Nhất, cần có một quy hoạch riêng, chuyên sâu và bài bản được thực hiện bởi một đơn vị tư vấn đủ năng lực.
Phía ACV, Phó tổng giám đốc Nguyễn Tất Bình cũng cho biết, hiện ACV chưa nhận được kế hoạch tổng thể hay nghiên cứu nào mang tính đồng bộ, bài bản về giao thông tiếp cận CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Cho rằng đây là vấn đề rất khó, ông Bình cũng khẳng định với Tân Sơn Nhất, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất vẫn là CHK quốc tế Long Thành.
“Cùng với giải pháp trước mắt cho Tân Sơn Nhất khi cảng này đang đối mặt với quá tải cả trên không và trong nhà ga, không thể chậm triển khai CHK quốc tế Long Thành bởi đây mới chính là giải pháp căn cơ, lâu dài cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất”, ông Bình nói.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện