Địa phương cần chủ động huy động nguồn vốn
Sáng 15/2, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã có chuyến kiểm tra thực tế một số dự án giao thông và làm việc với tỉnh Thái Bình.
Làm việc với đoàn công tác Bộ GTVT, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình KT-XH và công tác quản lý Nhà nước về GTVT trên địa bàn đồng thời đề nghị Bộ giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến GTVT và ATGT. Các đề xuất của Thái Bình đã được Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao cho các cơ quan chuyên môn của Bộ trả lời cụ thể.
Tại buổi làm việc, phía Bộ GTVT cho biết, do nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho Bộ GTVT trong kế hoạch đầu tư trung hạn rất hạn chế, nên Bộ ủng hộ tỉnh nghiên cứu phương thức huy động vốn để triển khai một số dự án giao thông.
Trước đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình xây mới cầu vượt tại nút giao giữa tuyến tránh S1 tại vị trí khu công nghiệp TPS Sông Trà trên QL10, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho rằng Thái Bình cần nghiên cứu chủ động huy động nguồn vốn đầu tư. Tương tự, với nhu cầu xây dựng tuyến QL10 mới đoạn từ ngã ba Đợi đến cầu Nghìn để giảm tải cho QL10 cũ, trước mắt Bộ cũng chưa thể bố trí vốn.
Trước thực trạng đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tiến độ thi công rất chậm, ông Nguyễn Hoằng cho biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo khẩn trương thi công tuyến đường này để hoàn thành đồng bộ với cầu Hưng Hà. Bộ GTVT đã đưa dự án vào danh mục các công trình đề nghị bố trí vốn Trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ.
Về dự án cải tạo nâng cấp QL37 đoạn qua tỉnh Thái Bình (kể cả cầu vượt sông Hóa), đại diện Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT Thái Bình tập trung giải ngân hết phần vốn đã bố trí trong kế hoạch năm 2017. Phần vốn còn lại của dự án đã được Bộ GTVT đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để đầu tư hoàn chỉnh.
Tiếp tục giữ thành tích đảm bảo ATGT
Trước ý kiến của tỉnh đề nghị Bộ GTVT yêu cầu TP Hà Nội sớm ổn định luồng tuyến vận tải khách tuyến Thái Bình-Mỹ Đình đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang khai thác trên tuyến và nhu cầu đi lại của người dân, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các tỉnh trong đó có Thái Bình chia sẻ với Hà Nội, chấp hành tốt kế hoạch điều chỉnh luồng tuyến để kéo giảm ùn tắc và TNGT.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách uỷ ban ATGT Quốc gia, Thái Bình là địa phương giữ tỷ lệ kéo giảm TNGT rất bền vững, đó là nhờ địa phương chỉ đạo đảm bảo ATGT rất tốt, Chủ tịch tỉnh chủ trì họp ATGT hàng tháng, thi ATGT trường học hàng năm, các đường làng ngõ xóm đều có gờ giảm tốc… “Mong địa phương tiếp tục triển khai, giữ vững hiệu quả đã có trong công tác đảm bảo ATGT, tiếp tục kiểm soát tải trọng xe và có những giải pháp, cách làm mới để tiếp tục kéo giảm vi phạm và TNGT hơn nữa”, ông Hùng nói.
Thái Bình cần quan tâm hơn phát triển giao thông thủy
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao sự tăng tốc, phát triển đột phá về kinh tế - xã hội của Thái Bình những năm gần đây. Bộ trưởng nhìn nhận, sự phát triển đó, một phần nhờ cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Thái Bình là một trong những tỉnh có cách làm rất tốt để phát huy nội lực địa phương. “Nhờ những con đường, cây cầu, Thái Bình đã không còn ở thế “ốc đảo”, giao thương thuận lợi, kinh tế phát triển”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng lưu ý, Thái Bình có 4 con sông lớn, cần quan tâm phát huy vận tải thủy để giảm chi phí vận tải, giảm hư hỏng đường bộ và giảm TNGT. Với 1 số đề xuất tỉnh liên quan dự án tuyến tránh QL10, Dự án nâng cấp QL37, QL39..., Bộ GTVT ghi nhận và giao các cơ quan tham mưu phối hợp với địa phương đưa dần vào các kế hoạch để phối hợp triển khai.
Về công tác đảm bảo ATGT, Bộ trưởng cho hay, kết quả kéo giảm TNGT của Thái Bình cho thấy sự nỗ lực của cả cộng đồng, sự quan tâm của địa phương, trách nhiệm của từng cá nhân trực tiếp. “Rất mong địa phương tiếp tục tăng cường, làm tốt hơn nữa công tác này”, Bộ trưởng nói.
Nguồn: baogiaothong.vn