Trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 Hà Nội - Bắc Giang |
Lý do khiến Bộ Giao thông vận tải đưa ra đề xuất này là do việc ban hành quy hoạch có thể quản lý, kiểm soát dự án BOT tốt hơn, tuy nhiên với quan điểm và định hướng đầu tư các dự án PPP trong thời gian tới có nhiều thay đổi, cùng với tính khả thi của quy hoạch không cao.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay thế giới chưa có quốc gia nào lập quy hoạch trạm thu phí mà chỉ có một số quốc gia đưa ra tiêu chí về khoảng cách giữa các trạm để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - người sử dụng.
Đồng thời, tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định phải lập quy hoạch trạm thu phí. Ngoài ra, quy hoạch trạm chỉ là dự báo, việc đặt trạm thu phí phụ thuộc vào tính toán từng dự án cụ thể, tính khả thi lưu lượng xe, tính hấp dẫn của thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô nên tính ổn định, khả thi của quy hoạch không cao, không đủ cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.
“Trường hợp việc kêu gọi đầu tư các dự án PPP không được thuận lợi dẫn đến việc triển khai dự án chậm hoặc không thể thực hiện thì thành Quy hoạch “treo””, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật phân tích.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của Bộ GTVT, Quy hoạch trạm thu phí có thể hạn chế việc tự nghiên cứu, đề xuất các dự án PPP của các Nhà đầu tư do các dự án đề xuất có trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch được duyệt, điều này dẫn đến việc hạn chế số lượng các dự án PPP hiệu quả.
Liên quan tới quan điểm, định hướng đầu tư các dự án PPP đường bộ trong thời gian tới, vào cuối tháng 6/2016, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan điểm chỉ tập trung đầu tư hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, các dự án mới, không triển khai các dự án theo hình thức BOT đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu, trường hợp đối với các dự án cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu thực sự cấp bách, không thể cân đối được nguồn vốn phải triển khai quy trình tham vấn ý kiến của Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô các địa phương và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận của các bên.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, trên hệ thống quốc lộ có 88 trạm thu phí (Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền - CQNNCTQ 74 trạm, địa phương là CQNNCTQ 14 trạm). Trong 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ có 62 trạm đang thu phí, 26 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. Trên hệ thống cao tốc có 12 hệ thống thu phí, trong đó có 6 hệ thống đã thu phí, 6 hệ thống chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư.
Trong 88 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ có 58 trạm (chiếm 66%) có khoảng cách đến trạm liền kề >70 km, có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60-70 km, còn lại 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách < 60 km (08 trạm thu phí hoàn vốn cho công trình đặc thù cầu lớn, hầm đường bộ; 04 trạm do ảnh hưởng bởi phạm vi khu đô thị không thể đặt trạm đảm bảo khoảng cách 70km; 02 trạm thu phí cho 2 dự án cấp bách theo đề nghị của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội của các địa phương; 06 trạm thu phí do địa phương là CQNNCTQ).
Được biết, từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2015, Văn phòng Chính phủ đã liên tiếp có 3 văn bản nhắc Bộ Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện