Chối bỏ trách nhiệm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn tất kết luận thanh tra chuyên đề về công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km106 +877 – Km1092 +577 (Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi) – công trình do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Liên danh nhà đầu tư được chỉ định là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân – Tổng công ty Thành An.
Điểm gợn rất đáng lưu ý trong bản kết luận thanh tra gồm 16 trang A4 này là sự chối bỏ trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thành An - một trong 2 nhà đầu tư trong liên danh được chỉ định thực hiện dự án có tổng mức đầu tư lên tới 2.138 tỷ đồng.
Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi (ảnh: baoquangngai.vn) |
Căn cứ Giấy chứng nhận đầu tư được cấp ngày 9/12/2013 và Hợp đồng BOT ký ngày 24/1/2014, các nhà đầu tư phải góp 288,9 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Đây cũng chính là mức vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT Thiên Tân - Thành An, trong đó Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân góp 202 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 70%), Thành An góp 86,9 tỷ đồng (chiếm 30%).
Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2016 (tức là sau 3 tháng Dự án được đưa vào khai thác, thu phí hoàn vốn), các nhà đầu tư tại Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi mới góp được 197,9 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương đương 9,26% tổng mức đầu tư, trong đó, Tổng công ty Thành An chưa góp đồng vốn nào.
Cần phải nói thêm rằng, theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ, Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT, nhà đầu tư phải góp 100% vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi thành lập doanh nghiệp dự án. Dự án chỉ được ký hợp đồng chính thức khi nhà đầu tư đã góp đủ 100% vốn chủ sở hữu theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, việc góp vốn chủ sở hữu phải tuân thủ theo Điều 6, Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 về thanh toán, góp vốn bằng tiền mặt.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2014, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định này, trong đó nhấn mạnh: nếu không đáp ứng các yêu cầu nói trên, hợp đồng BOT sẽ không có hiệu lực và Bộ có quyền thay thế nhà đầu tư khác, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ không được đền bù bất cứ chi phí nào đã bỏ ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án an toàn giao thông (Bộ GTVT) - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho biết, trong quá trình triển khai Dự án, các cơ quan chức năng đã nhiều lần phát văn bản yêu cầu Tổng công ty Thành An thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu, nhưng đều không nhận được phản hồi.
Đại diện Ban Quản lý dự án an toàn giao thông cũng xác nhận, giữa Thiên Tân và Thành An hiện không có bất kỳ văn bản chính thức nào xác nhận việc chuyển nhượng phần vốn chủ sở hữu góp vào Dự án.
Việc Thiên Tân tự nguyện góp lấn cả phần Thành An, theo Ban Quản lý dự án an toàn giao thông, là thiện chí của nhà đầu tư này để Dự án… không bị “vỡ”.
Lỏng tay quản vốn
Tổng công ty Thành An vốn được biết đến với cái tên khác là Binh đoàn 11, là nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực, từng tham gia nhiều dự án hạ tầng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư như đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Gói thầu số 6 - Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Bình Định…
Chính vì vậy, sự “mất tích” của Tổng công ty Thành An khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về động cơ tham gia Dự án của đơn vị này. Liệu có hay không việc nhà đầu tư này có vấn đề về tài chính, nên không thể huy động vốn chủ sở hữu như cam kết, hay sự thoái thác trách nhiệm góp vốn là biểu hiện của việc tham gia “góp tên” cho liên danh có đủ năng lực để được Bộ GTVT trao dự án?
Được biết, trong Kết luận Thanh tra số 759/BKHĐT-TTr ngày 25/1/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có biện pháp hữu hiệu khi Tổng công ty Thành An không thực hiện góp vốn theo quy định, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT có biện phép xử lý nhà đầu tư bỏ cuộc theo quy định hiện hành.
Cần phải nói thêm, đây không phải là sai sót duy nhất tại Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi được Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hiện. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác dự báo lưu lượng xe - một trong những thông số đầu vào quan trọng hình thành nên phương án tài chính của Dự án - còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.
Cụ thể, theo thuyết minh dự án đầu tư thì dự báo lưu lượng xe trên Quốc lộ 1 sẽ giảm mạnh từ năm 2030 do phân lưu vào đường cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, tại thời điểm phê duyệt dự án đầu tư, tại Quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày 1/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 thì tuyến đường bộ cao tốc qua khu vực tỉnh Quảng Ngãi (Quảng Ngãi - Quy Nhơn) có lộ trình đầu tư trước năm 2020.
Như vậy, việc dự báo lưu lượng xe với giả định lưu lượng xe trên Quốc lộ 1 sẽ giảm mạnh từ năm 2030 thay vì năm 2020 do phân lưu vào cao tốc Bắc - Nam như trên là không đúng với quy hoạch được duyệt, khiến doanh thu dự báo tăng đáng kể, dẫn đến khả năng không hoàn được vốn khi thu phí thực tế.
Bên cạnh đó, Dự án được phê duyệt (năm 2013) với tổng mức đầu tư 2.138,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 1.006 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, việc lập, thẩm tra và phê duyệt còn một số tồn tại, sai sót làm tăng chi phí xây lắp trong tổng mức đầu tư thêm 139 tỷ đồng.
“Cùng với việc chỉ đạo các tập thể, cá nhân có liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm, Bộ GTVT phải sớm rà soát, tính toán lại các chi phí để điều chỉnh tổng mức đầu tư và phương án tài chính Dự án theo đúng quy định”, Thông báo Kết luận Thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Nguồn: http://baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện