Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nghe báo cáo Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng
Báo cáo tại buổi làm việc về công tác phối hợp trong QLNN về phát triển kết cấu hạ tầng GTVT tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết: Quảng Ninh hiện có 7 tuyến QL dài 471m. Quảng Ninh cũng có 15 bến xe khách đang hoạt động phân bố trên 12 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 7/15 bên xe đạt loại 4 trở lên, có 1 bến xe đạt loại 1 (Bến xe Bãi Cháy, TP.Hạ Long).
“Trong 5 năm qua, các tuyến quốc lộ đều cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn về cấp kỹ thuật. Giao thông nông thôn được quan tâm, 5 năm đã cải tạo nâng cấp được 1290km đường giao thông nông thôn. Quảng Ninh thực hiện tốt một trong 3 khâu đột phá chiến lược là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, là địa phương tiên phương trong việc đầu tư ngân sách, ứng vốn cho Trung ương để cải tạo nâng cấp quốc lộ, xây dựng đường cao tốc. Hiện Quảng Ninh cũng đang tích cực triển khai các dự án lớn như Dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18A đoạn Hạ Long – Mông Dương theo hình thức BOT; dự án đường nối thành phối Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Dự án cảng Hàng không Quảng Ninh…”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo thêm về vướng mắc của các dự án giao thông trên địa bàn
Ông Nguyễn Đức Long cũng nhấn mạnh, về cảng biển và đường thuỷ nội địa, Cảng biển Quảng Ninh là cảng đầu mối khu vực, gồm 8 khu bến. Tỉnh có 29 luồng đường thuỷ nội địa do Trung ương quản lý dài 540km và 15 tuyến đường thuỷ nội địa địa phương dài hơn 218km…
“Hiện Quảng Ninh đã hoàn thành mở rộng cảng Cái Lân; đầu tư xây dựng cảng Tuần Châu; xây dựng cảng tổng hợp bốc xếp hàng hoá tại Hoành Bồ; bến bãi hàng hoá tại sông Ka Long và các bến khác; đồng thời địa phương đã đầu tư để công bố tuyến đường thuỷ nội địa Cô Tô – Thanh Lân theo chỉ đạo của Bộ GTVT”, ông Nguyễn Đức Long nói.
Về hàng không, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết đã hoàn thành thủ tục đầu tư và đang triển khai thi công Cảng Hàng không Quảng Ninh để phấn đấu khai thác giai đoạn 1 vào cuối năm 2017.
“5 năm liên tục (2011-2015), TNGT đường bộ giảm cả 3 tiêu chí; 6 tháng đầu năm 2016 Quảng Ninh tiếp tục kiểm soát và kéo giảm được TNGT”, ông Nguyễn Đức Long khẳng định.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Quảng Ninh cũng đưa ra nhiều kiến nghị xung quanh việc phát triển hạ tầng GTVT; cải tạo mạng lưới đường thuỷ nội địa; rà soát lại tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân…
Để hạ tầng giao thông của Quảng Ninh tiếp tục phát huy vai trò là ngành đi trước đón đầu, phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT có chủ trương ưu tiên đầu tư sớm 3 dự án: cầu vượt Loong Toòng, mở rộng nâng cấp quốc lộ 4B, mở rộng nâng cấp quốc lộ 279. Bên cạnh đó là bố trí vốn cho Quảng Ninh thanh quyết toán nợ đọng một số dự án giao thông; Đề nghị Bộ GTVT đồng thuận và báo cáo Chính phủ tiếp tục giao cho Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thu hút đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức BOT. Cùng với đó là một số nội dung liên quan đến việc mở rộng, đầu tư hệ thống đường sắt, cảng biển; công tác tăng cường quản lý tàu khách tham quan trên Vịnh Hạ Long; có cơ chế để nhà đầu tư quản lý khai thác cảng hàng không Quảng Ninh. Đồng thời, đề xuất với Bộ GT-VT cho thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công trình và tránh tình trạng hằn lún vết xe tại các dự án đang triển khai...
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc
Trả lời các kiến nghị của Quảng Ninh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng, cho biết, Bộ GTVT đã đưa dự án cầu vượt Loong Toòng, dự án cải tạo, nâng cấp QL 4B, QL 279 đoạn qua tỉnh Quảng Ninh vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ GTVT cũng đã đưa dự án cải tạo nâng cấp QL 18C đoạn Tiên Yên – Hoành Mô vào danh mục các công trình nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ ứng trước kế hoạch trong kế hoạch đầu tư trung hạn. Với cầu Bắc Luân II nối Việt Nam – Trung Quốc, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của tỉnh Quảng Ninh và đề nghị tỉnh Quảng Ninh chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư hoàn thành công trình.
Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) Trần Quốc Toản cũng khẳng định, Bộ GTVT thống nhất về chủ trương thỏa thuận quy hoạch điều chỉnh toàn bộ ĐT 328 thành Quốc lộ, đồng thời bàn giao lại đoạn tuyến đường cũ QL để tỉnh quản lý. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT để Bộ giao các cơ quan tham mưu kiểm tra báo cáo Bộ xem xét, quyết định.
Đại diện vụ KCHT cũng cho biết thêm, với dự án Nội Bài – Hạ Long, hiện cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang khai thác với lưu lượng xe thấp, chưa phát huy hết năng lực thiết kế. Trước mắt, đề nghị sử dụng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Hạ Long để khai thác, xem xét đầu tư vào thời điểm thích hợp vì nếu đầu tư ngay cao tốc Nội Bài – Hạ Long sẽ cần nguồn vốn góp Nhà nước rất lớn, đồng thời dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không phát huy hết hiệu quả đầu tư trong khi thời gian đi lại giữa hai tuyến không có sự khác biệt đáng kể
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ GTVT đồng thuận chủ trương đầu tư thêm Bến Tổng hợp Cái Lân Quảng Ninh – GĐ1 và xây dựng Bến số 8, 9 cảng Cái Lân trong khu Cảng Cái Lân và hỗ trợ nạo vét vùng quay trở tàu tại cảng.
Liên quan đến việc tỉnh Quảng Ninh gia niên hạn tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy Nội địa Việt Nam khẳng định, Cục ĐTNĐ Việt Nam thống nhất với kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng đặc thù niên hạn tàu du lịch trên vịnh Hạ Long theo Nghị định. Tuy nhiên, để có cơ sở báo báo Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng đặc thù niên tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đề nghị tỉnh Quảng Ninh xây dựng kế hoạch thực hiện tổng hợp số lượng phương tiện thủy nội địa hết niên hạn sử dụng trong từng năm tính từ 2016 – 2020, từ đó phân tích đánh giá những tác động xã hội, đặc biệt là chi phí xã hội phải chịu của chủ phương tiện khi các phương tiện không được phép hoạt động theo quy định.
Phát biểu về lĩnh vực hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, do lượng container giảm liên tục trong 4 năm qua, trên cơ sở thống nhất với UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ GTVT đã thỏa thuận cho phép 3 bến container 2, 3, 4 được làm hàng tổng hơp lâu dài. Hiện nay, đã có thêm 2 nhà đầu tư đề xuất như kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh xây thêm 4 bến tổng hợp. Như vậy, tổng số lượng bến tổng hợp đề xuất xây dựng sẽ là 10 bến, cao hơn so với nhu cầu thông qua hàng hóa khu vực theo quy hoạch.
"Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ GTVT để xem xét cụ thể kiến nghị của các nhà đầu tư. Dù không sử dụng nguồn ngân sách nhưng nguồn huy động vốn từ các nguồn lực cũng cần phải tính toán, tránh hiện tượng đầu tư xong rồi không đạt hiệu quả như mong muốn sẽ làm tổn hại đến kinh tế chung", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.
"Việc mở rộng vũng quay tàu là để đáp ứng cho cỡ tàu trên quy hoạch trong điều kiện tĩnh không bị hạn chế bởi cầu Bãi Cháy cần được cân nhắc kỹ, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn như hiện nay", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao những kết quả mà Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua trong các mặt kinh tế - xã hội. Đối với các đề xuất của Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ GTVT đã cơ bản đồng tình và thống nhất cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng lưu ý, Quảng Ninh là một địa phương có địa hình khá phức tạp, đặc biệt giao thông thuỷ phục vụ du lịch luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, do đó, việc quy hoạch lại mạng lưới đường thuỷ; quản lý tốt phương tiện và người lái cũng như có các chế tài riêng để kiểm soát là một việc cấp thiết, phải làm ngay.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa
Liên quan đến các vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng GTVT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Quảng Ninh vì trong thời gian qua đã xác định và tập trung làm tốt việc phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lưu ý thêm đến cơ chế phát triển và vận hành cho Sân bay Vân Đồn. Với đường bộ, Quảng Ninh đã phát triển rất tốt. Cần tiếp tục mô hình như Vân Đồn – Móng Cái.
"Quảng Ninh đã làm rất tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng của tỉnh. Bộ GTVT có thể yên tâm giao quyền quản lý cho Quảng Ninh về công tác này", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Về ATGT, Bộ trưởng ghi nhận những cố gắng của tỉnh Quảng Ninh đã kéo giảm TNGT trong thời gian dài. Qua đây, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị tỉnh Quảng Ninh siết chặt hơn nữa công tác xử lý các vi phạm giao thông như thiết bị giám sát hành trình, xe quá tải nhất là ở khu vực chuyên chở than...
"Với quan điểm chia sẻ với những khó khăn của Quảng Ninh trong thời gian qua, Bộ GTVT cam kết sẽ luôn đồng hành cùng với quyết tâm lớn của Quảng Ninh trong thời gian tới ", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện