Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa |
Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 (diễn ra hôm qua 12/7), trước tình hình giải ngân, quyết toán các dự án chậm, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, tiêu chí đánh giá quan trọng nhất về năng lực các Ban QLDA chính là công tác giải ngân và quyết toán.
Mổ xẻ nguyên nhân giải ngân chậm
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, tổng số nguồn vốn dự kiến giải ngân các dự án đầu tư hạ tầng giao thông năm 2016 khoảng 67.294,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 41,75% kế hoạch năm. “Công tác giải ngân thấp so với kế hoạch, nhất là nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP) bố trí cho dự án sử dụng vốn dư của các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Lý do là các dự án này đang trong giai đoạn hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai trong 6 tháng cuối năm 2016. Ngoài ra, nguồn vốn đối ứng thiếu so với nhu cầu cũng đã ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA”, Thứ trưởng Trường nói.
Về tiến độ giải ngân của riêng nguồn vốn ngân sách, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, năm 2016, Bộ GTVT được Thủ tướng giao kế hoạch tổng số vốn 45.525 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2016, các nguồn vốn ngân sách và TPCP mới giải ngân được 13.194 tỷ đồng, đạt 29% so với tổng kế hoạch.
Cũng theo ông Hoằng, hiện có tới 12 Ban QLDA còn tồn kế hoạch giải ngân. Trong đó, Ban QLDA 85 còn tồn tới 4.648 tỷ đồng, phần lớn nằm ở dự án hầm Đèo Cả. Tiếp đến là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tồn 3.153 tỷ đồng và Ban QLDA Hàng hải tồn số vốn 2.784 tỷ đồng tại dự án luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu...
Để kịp thời khắc phục hạn chế, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2016, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT đề nghị các Ban QLDA khẩn trương phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành để thanh, quyết toán dứt điểm với nhà thầu. Kiên quyết xử lý các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng, loại các nhà thầu không có năng lực đã vi phạm.
Lý giải về nguyên nhân giải ngân, thanh, quyết toán chậm, đại diện các Ban QLDA, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, chủ yếu do tính chất đặc thù của từng dự án, vừa làm vừa phải nghiên cứu kỹ. Trong 6 tháng, Ban đã bàn giao 5 dự án và đang phê duyệt khối lượng cuối cùng để hoàn công và thanh, quyết toán các công trình.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đọc báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ GTVT |
Chậm quyết toán, trách nhiệm lớn nhất thuộc ban QLDA
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, theo ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), Bộ GTVT đã giao kế hoạch lập, trình duyệt quyết toán năm 2016 cho các đơn vị với số lượng 771 dự án. Đến nay, các đơn vị đã lập, trình quyết toán 399 dự án hoàn thành, đạt 52% kế hoạch. Như vậy, đa số các đơn vị thực hiện phù hợp với tiến độ kế hoạch được giao, nhưng có một số đơn vị còn thực hiện chậm, tỷ lệ đạt thấp, đặc biệt là Ban QLDA 3 (Tổng cục Đường bộ VN) chậm lập báo cáo quyết toán các dự án cầu treo dân sinh; Ban QLDA ATGT chưa có báo cáo quyết toán của cả 5/5 dự án phụ trách. Đến nay, cũng chỉ có 7/24 Sở GTVT trình quyết toán được 9/36 dự án còn lại.
Đối với các dự án BOT, ông Quốc cho biết, đến nay có 42 dự án hoàn thành được thu phí nhưng mới chỉ có 13 dự án được quyết toán. Thậm chí, trong số 42 dự án hoàn thành, có tới 24 dự án nhà đầu tư chưa trình quyết toán dự án.
“Lãnh đạo các Ban QLDA còn chưa sâu sát chỉ đạo đơn vị thực hiện công tác quyết toán, nhiều dự án kéo dài. Năng lực hoàn thiện hồ sơ dự án, nhất là hồ sơ hoàn công của một số doanh nghiệp dự án BOT còn hạn chế”, ông Quốc cho biết nguyên nhân.
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, theo quy định hồ sơ hoàn công phải được thực hiện ngay từ khi triển khai dự án. Tuy nhiên, đơn vị này phát hiện nhiều hồ sơ hoàn công không được chuẩn bị ngay từ đầu và nhiều nhà thầu không bố trí lực lượng làm công tác thanh, quyết toán công trình. “Thậm chí, chúng tôi còn phát hiện những hồ sơ không hợp lý. Công việc thực tế đã làm từ thời gian trước, nhưng hồ sơ lại được chấp nhận vào thời điểm khác dẫn tới tình trạng số liệu vênh nhau”, ông Sanh nói.
Để xảy ra tình trạng chậm quyết toán công trình, ông Sanh cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các Ban QLDA. “Bộ GTVT đã quy định rất rõ, các Ban QLDA phải chịu trách nhiệm tổ chức, kiểm tra hệ thống hoàn công, thanh, quyết toán công trình. Quá trình triển khai, khối lượng thực hiện đến đâu phải giải quyết gọn gàng ngay đến đó. Đến thời điểm hoàn công chỉ việc nộp hồ sơ là đủ cơ sở thanh, quyết toán, nhưng nhiều dự án không làm được, bởi Ban QLDA chưa có đội ngũ chuyên nghiệp và chưa làm đúng theo trình tự thủ tục đã quy định”, ông Sanh nói và thông tin, qua quá trình thẩm định, công tác hoàn công quyết toán công trình tại các dự án sử dụng vốn ngân sách hoàn thành tốt hơn so với các dự án BOT.
Ban QLDA 85 còn tồn tới 4.648 tỷ đồng, phần lớn nằm ở dự án hầm Đèo Cả |
Không có lý do gì để chậm quyết toán các dự án BOT
Thẳng thắn đánh giá công tác giải ngân và thanh, quyết toán các công trình giao thông thời gian qua rất chậm và không đạt yêu cầu, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ GTVT đang rà soát, đánh giá năng lực của các Ban QLDA, trong đó kết quả quyết toán công trình là một tiêu chí rất quan trọng. “Tới đây, Bộ GTVT sẽ tiến hành xếp hạng các Ban QLDA giống như đã thực hiện với các nhà thầu. Trong đó, năng lực quyết toán công trình sẽ là thước đo năng lực quản lý dự án của các ban”, Bộ trưởng nói.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện, ban hành Quy định đánh giá, xếp hạng năng lực nhà đầu tư thực hiện các dự án theo hình thức PPP do Bộ GTVT quản lý; Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn; Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác 46 công trình, dự án; Hoàn tất thủ tục chuẩn bị để khởi công, triển khai xây dựng 34 công trình, dự án; Quyết liệt, đẩy nhanh việc hoàn thành quyết toán các dự án, đặc biệt là các dự án BOT. Cũng theo Thứ trưởng Trường, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 Dự án đầu tư CHK quốc tế Long Thành; Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cầu treo dân sinh giai đoạn 2; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo kế hoạch đã xây dựng... |
Cho rằng công tác thanh, quyết toán tại các dự án BOT không có lý do gì để chậm, Bộ trưởng yêu cầu Ban PPP khẩn trương đề xuất phương án thu phí các dự án trong hợp đồng BOT căn cứ vào thời điểm quyết toán công trình.
Theo Bộ trưởng, suy cho cùng dự án BOT cũng là nguồn ngân sách nên chúng ta phải làm chặt. Hợp đồng BOT hiện quy định việc quyết toán công trình sau 6 tháng từ khi thu phí như vậy đã hợp lý chưa? Hiện nay, xảy ra tình trạng nhà đầu tư thực hiện công tác quyết toán rất chậm, chúng ta có nên đưa ra quy định nhà đầu tư chỉ được thu phí từ khi nộp hồ sơ quyết toán hoặc hoàn thành công tác quyết toán mới được thu phí? Ban PPP phải sớm có phương án đề xuất cụ thể để Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT thống nhất việc này.
“Đòi hỏi của dư luận xã hội thời gian qua là tính minh bạch của các dự án BOT. Tuy nhiên, cũng có không ít người nhầm lẫn giữa tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu với giá trị quyết toán công trình. Nếu hoàn thành công tác quyết toán trước khi cho thu phí thì mọi chuyện sẽ minh bạch, dư luận xã hội cũng sẽ đồng tình”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung và khẩn trương hoàn thành công tác thanh quyết toán đối với các dự án đang triển khai hoặc đã kết thúc. Riêng với những dự án chuẩn bị khởi công trong 6 tháng cuối năm chỉ được khởi công khi có đầy đủ các điều kiện, dứt khoát không chạy theo áp lực thời gian.
Liên quan đến chủ trương đầu tư thời gian tới, người đứng đầu ngành GTVT cho biết, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, ngành GTVT sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư.
“Quan điểm của Bộ GTVT là tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án BOT trên cơ sở đảm bảo tính minh bạch trong quá trình lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư và minh bạch trong thu phí”, Bộ trưởng nói và cho biết, dự án BOT được lựa chọn phải đảm bảo nguyên tắc: Dự án mới, dự án không làm mất quyền lựa chọn đi lại của người dân, dự án phải mang tính cấp bách trong việc thúc đẩy liên kết vùng…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường các giải pháp bảo đảm ATGT để đạt mục tiêu kéo giảm 5 - 10% số vụ TNGT. Đặc biệt, phải quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước. Đối với công tác truyền thông, theo Bộ trưởng, trong thời gian qua các đơn vị của Bộ đã làm rất tốt, kịp thời nên cần phát huy trên quan điểm tất cả các thông tin phải được cung cấp kịp thời, minh bạch. Đối với công tác vận tải, cần tiếp tục có những tham mưu để thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu các phương thức vận tải cho phù hợp, hài hoà để giảm tải cho đường bộ, giúp giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia... Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay số phương tiện vi phạm chở hàng quá tải đã giảm khoảng 91% so với thời điểm bắt đầu thực hiện KSTTX đồng loạt trên phạm vi toàn quốc. Đã có 212/222 doanh nghiệp cảng biển ký cam kết không xếp hàng hoá quá trọng tải quy định. Về công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 6 tháng đầu năm 2016, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết đã tiếp tục kéo giảm sâu TNGT cả ba tiêu chí, giảm ùn tắc trên các trục giao thông chính, đặc biệt là hai thành phố lớn: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn một số hạn chế: Mục tiêu giảm TNGT bình quân từ 5-10% cả ba tiêu chí mới đạt được hai, trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là giảm số người chết không đạt; chưa xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải; tình trạng kinh doanh vận tải không giấy phép vẫn còn diễn ra… Về các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm, ông Khuất Việt Hùng đề nghị Bộ GTVT xây dựng kế hoạch cụ thể về lộ trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; sớm xây dựng thông tư hướng dẫn điều 79 của Nghị định 46 về việc sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ do các đơn vị quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư... |
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện