Theo báo cáo của Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường thủy Lê Huy Thăng, về mô hình tổ chức, Ban hiện có 10 phòng trong đó có 06 phòng quản lý dự án và 04 phòng chức năng. Hiện tại, Ban có tổng số 118 cán bộ công nhân viên trong đó, cán bộ có trình độ Thạc sỹ chiếm 9,3%, cán bộ có trình độ Đại học chiếm 87,4% và trình độ Cao đẳng chiếm 3,3%.
Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường thủy
Lê Huy Thăng trình bày báo cáo
Ông Lê Huy Thăng cũng cho biết, Ban Quản lý các dự án Đường thủy đã hoàn thành 02 dự án gồm: Dự án Nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam và cảng Cần Thơ, thời gian thực hiện từ năm 1997-2006, tổng mức đầu tư gồm 85 triệu USD từ nguồn vốn của WB và đã quyết toán. Dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1) với tổng chiều dài toàn tuyến là 28,6km, đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án và bàn giao đưa vào sử dụng năm 2015. Hạng mục bổ sung do sử dụng vốn dư 186 tỷ đồng đã hoàn thành, đang nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Hiện tại, Ban đang thực hiện Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (Dự án WB5) bao gồm 4 Hợp phần với tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án là 535,844 triệu USD. Dự án đã hòa thành, đóng hiệp định tín dụng vào 30/6/2016 và đang hoàn công quyết toán. Ban cũng đang thực hiện Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) gồm 3 Hợp phần, tổng mức đầu tư là 210,08 triệu USD.
Trong thời gian tới, Ban chuẩn bị đầu tư 03 dự án gồm: Dự án Nâng cấp Hành lang đường thủy số 2: Quảng Ninh - Ninh Bình (qua sông Luộc); dự án Phát triển các Hành lang đường thủy và Logistic khu vực phía Nam và dự án cải tạo nâng cấp cửa sông Trà Lý.
"Trong năm 2016, Ban sẽ tiếp tục tinh giản biên chế, củng cố bộ máy nhân sự để hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao đời sống cho cán bộ công nhân viên. Đồng thời hoàn thành dứt điểm các dự án, bàn giao đưa vào sử dụng và các quyết toán gói thầu thuộc Dự án WB5, WB6; hoàn thành chuẩn bị các dự án; tìm kiếm, đề xuất chuẩn bị các dự án đường thủy khác", TGĐ Ban QLDA đường thuỷ Lê Huy Thăng khẳng định.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban QLDA đường thuỷ cũng đưa ra những khó khăn, tồn tại, từ đó đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT xem xét, bố trí nguồn vốn cho các dự án.
Sau khi nghe đại diện các cơ quan chuyên môn phát biểu ý kiến xung quanh công tác và hoạt động của Ban, kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ với những khó khăn của Ban, yêu cầu Ban phát huy những kết quả đạt được tại các Dự án đã và đang thực hiện.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ kết luận buổi làm việc
Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý cần đạt được sự đoàn kết toàn diện hơn nữa, ổn định về tổ chức, chăm lo tốt đời sống cho cán bộ công nhân viên, tạo sự đồng thuận, công khai, minh bạch trong nội bộ Ban. Thứ trưởng khẳng định đây là vấn đề cần số một, cần hết sức quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Thứ trưởng cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Ban đồng thời nhấn mạnh Ban cần chủ động phối hợp với Cục ĐTNĐ Việt Nam thực hiện chức năng quản lý đầu tư, cùng bàn bạc để đầu tư như thế nào cho hiệu quả?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban phải thành lập ngay một bộ phận, một tổ xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực ĐTNĐ; phối hợp với Cục ĐTNĐ Việt Nam, Ban PPP có cơ chế chính sách thu hút đầu tư cho đường thủy. Từ thực trạng đường thủy nội địa hiện nay, 02 tổ xây dựng cơ chế chính sách của Cục ĐTNĐ Việt Nam và của Ban Quản lý các dự án đường thủy chuẩn bị danh mục dự án đầu tư, hình thức đầu tư, cơ chế đầu tư cùng bàn bạc với Ban PPP, Vụ KHĐT để đưa ra danh mục dự án nhằm phát huy lợi thế từng tuyến, kết nối hiệu quả các phương thức vận tải…
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện