Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiểm điểm tình hình thực hiện
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần Bắc Giang – Lạng Sơn, ông Đinh Đăng Khánh cho biết, tính đến 30/5/2016, Dự án đã được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập xong doanh nghiệp dự án để điều hành các công việc tiếp theo.
"Hiện các đơn vị liên danh dự án đã góp vốn chủ sở hữu được 390/1.294tỷ đồng, đạt 30%. Ngân hàng BIDV cũng đã chấp thuận chủ trương làm đầu mối thu xếp vốn tín dụng và tài trợ 50% tổng mức vốn vay của dự án”, đại diện doanh nghiệp dự án cho biết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Doanh nghiệp BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cũng báo cáo về công tác GPMB. Cụ thể, công tác kiểm kê; áp giá đạt 92% nhưng mới chỉ bàn giao được 0,5% toàn dự án; Tổng kinh phí đã giải ngân đạt 316/12.188 tỷ đồng, đạt 2,6%...
Đại diện doanh nghiệp Dự án cũng cho rằng, nguyên nhân tiến độ dự án chưa đạt được yêu cầu đề ra là do Dự án được triển khai trong giai đoạn các quy định mới của Nhà nước siết chặt các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý. Cùng đó, công tác thi công trên tuyến QL1 gặp nhiều khó khăn do đây là tuyến độc đạo của các tỉnh phía Bắc đi Lạng Sơn với quy mô mặt cắt ngang 2 làn xe cơ giới, lưu lượng xe tải trọng lớn rất nhiều. Việc vừa thi công vừa khai thác dẫn đến nguy cơ ùn tắc, TNGT … ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
Đường Bắc Giang - Lạng Sơn
Tại buổi làm việc, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ như Ban ATGT, Ban PPP, Cục QLXD&CL CTGT… và các cơ quan liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến để Dự án sớm hoàn thành đúng thời hạn.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, đối với các dự án BOT, Bộ GTVT đã và sẽ kiểm soát chặt chẽ từ thủ tục pháp lý đến năng lực nhà thầu cũng như chất lượng dự án.
“Bộ GTVT không chấp nhận các nhà thầu năng lực kém hoặc “quay” vốn mà phải có thực lực thật sự. Mọi quy trình thực hiện dự án phải đúng với các quy định của nhà nước, không làm tắt, không làm trái luật, tiến độ thi công và chất lượng phải đảm bảo yêu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
“Đối với Dự án xây dựng mới cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn là một trong những dự án đầu tư theo hình thức BOT lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Dự án cũng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế từ cửa khẩu đi các tỉnh phía Bắc, do đó càng phải đảm bảo công khai, minh bạch, thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Tiếp đó, Thứ trưởng yêu cầu Ban QTGT, PPP, Cục QLXD&CL CTGT phải rà soát lại các thủ tục, đáp ứng các kiến nghị để hỗ trợ nhà đầu tư. Đó là hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục để ký kết hợp đồng dự án; Giúp đỡ nhà đầu tư tháo gỡ các vướng mắc trong quy trình vay vốn…
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng yêu cầu nhà đầu tư Dự án nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục còn lại; có cam kết huy động vốn chủ sở hữu đúng tiến độ; Lập tiến độ tổng thể cho cả 2 hợp phần. Cụ thể, đến 30/9/2016 phải hoàn thành phần tăng cường mặt đường QL1; 31/12/2018 phải hoàn thành cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
“Bên cạnh đó, nhà thầu phải vào cuộc ngay lập tức. Bao nhiêu gói thầu phải có từng đấy mặt bằng để tập trung vật liệu, thiết bị, khi đủ điều kiện là có thể thi công được ngay. Trong quá trình thi công phải đặc biệt lưu ý trong việc kiểm soát chất lượng, đặc biệt phải kiểm tra chặt lớp cấp phối, không để xảy ra hằn lún vệt bánh xe. đến an toàn lao động và TT ATGT vì đây là đường độc đạo lên cửa khẩu, nhất là dịp cuối năm, lượng phương tiện lưu thông là rất lớn. Các cơ quan liên quan cũng nhanh chóng phối hợp với các địa phương có dự án đi qua làm tốt công tác GPMB vì đường cao tốc mà làm từng đoạn ngắn sẽ không đảm bảo chất lượng”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu.
Theo thiết kế, dự án đi qua địa phận hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn với tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn là 63,86 km. Điểm đầu tại Km 45+100 (giao cắt với QL1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại Km 108+500, kết nối với điểm cuối của Dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT.Về quy mô, đoạn từ Km 45+100 - Km 108+500 (cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h. Đây là tuyến mới, chạy song song và tách rời QL1, qua địa phận các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) có bề rộng nền đường 25 m, bao gồm bốn làn xe cơ giới (mỗi làn rộng 3,75 m), hai làn dừng khẩn cấp (mỗi làn rộng 3 m),...Riêng đoạn từ Tân Dĩnh (Km 106+500) đến nút giao QL31 (Km 108+500), tuyến đi trùng với QL1, khớp nối với dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT, bề rộng nền đường 33m, bao gồm bốn làn xe cơ giới, hai làn dừng xe khẩn cấp, dải an toàn, dải phân cách giữa… Trong khi đó, đối với tuyến QL1 từ Km 1+800 - Km 106+500 được giữ nguyên cấp đường hiện tại với vận tốc thiết kế 60-80 km/h. Hướng tuyến của đoạn này đi trùng với QL1 hiện tại và giữ nguyên theo quy mô mặt cắt ngang hiện trạng.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 12 nghìn tỷ đồng do các đơn vị: Công ty Cổ phần Đầu tư UDIC, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư 468, Công ty Cổ phần Giao thông xây dựng số 1 và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà là liên danh nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Đây là tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH đối với nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm nhanh chóng hình thành mạng lưới cao tốc quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, cải thiện điều kiện khai thác và tránh ùn tắc, TNGT trên tuyến QL1. Đồng thời, dự án còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực nói chung và hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn nói riêng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện