Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT
Vai trò quản lý nhà nước phải đặt lên hàng đầu
Tại buổi họp Ban Cán sự đảng, báo cáo về tình hình xây dựng Văn bản QPPL tháng 5, 5 tháng đầu năm và kế hoạch tháng 6 năm 2015 của Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2016, về cơ bản, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và chủ trì tham mưu trình văn bản quy phạm pháp luật đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, đối với những cơ quan, đơn vị được giao xây dựng các Nghị định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, mặc dù thời gian gấp, chỉ có khoảng 03 tuần để hoàn thiện toàn bộ hồ sơ dự thảo Nghị định, các cơ quan, đơn vị đã khẩn trương, nghiêm túc, không quản ngày đêm, làm việc rất tích cực để hoàn thành nhiệm vụ và tiến độ được giao.
Cụ thể, Vụ trưởng Trịnh Thị Hằng Nga cho biết: Trong 5 tháng đầu năm, Bộ đã trình Chính phủ 08/08 dự thảo văn bản; các cơ quan, đơn vị đã trình Bộ trưởng 12 Thông tư, đạt 100% kế hoạch…
Để làm tốt hơn nữa công tác này, bà Trịnh Thị Hằng Nga đưa ra ý kiến, đối với các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của Bộ trưởng được ban hành trong năm 2015 và 05 tháng đầu năm 2016, đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để các văn bản được áp dụng có hiệu quả hơn trong cuộc sống.
“Để tiếp tục hoàn thành tốt kế hoạch xây dựng văn bản QPPL trong tháng 06, đề nghị các đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo tích cực hơn nữa để văn bản trình Bộ trưởng ký ban hành và văn bản trình Chính phủ bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, quyết liệt cải cách các TTHC”, bà Nga nhấn mạnh.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức báo cáo tình hình xây dựng và phê duyệt đề án tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016; kế hoạch tháng 6 năm 2016. Cụ thể, ông Nguyễn Trí Đức cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 03 đề án. Đó là: Đề án Nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng không dân dụng; Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020.
”Tính chung trong 05 tháng đầu năm 2016, các cơ quan, đơn vị đã trình Bộ trưởng phê duyệt 03 đề án, cụ thể: Quy hoạch Cảng hàng không Lào Cai; Điều chỉnh Quy hoạch sân bay Phù Cát; Đề án kết nối giao thông, bao gồm cả kết nối đường cao tốc và tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào”, ông Nguyễn Trí Đức cho biết thêm.
Kết luận về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định, việc xây dựng văn bản QPPL của Bộ GTVT đã có truyền thống tốt, được ghi nhận, tuy nhiên phải xác định lại tư duy làm việc. Bộ GTVT coi đây là công việc quan trọng nhất nhưng các đơn vị đã thực sự đưa nó lên vị trí ưu tiên nhất chưa? Thái độ của các đơn vị thế nào? Năng lực đã thực sự đảm bảo chưa hay ban hành ra được vài ba tháng lại sửa đổi?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh, việc xây dựng các đề án phát triển các lĩnh vực của ngành GTVT mới được coi là nhiệm vụ chính của Bộ chứ không phải chỉ tập trung vào làm các dự án, công trình giao thông cụ thể.
“Các đề án phải gắn liền vào hoạt động và phương hướng phát triển của Ngành, nó thể hiện rõ nhất nhiệm vụ chính trị là cơ quan quản lý cấp Bộ về lĩnh vực GTVT, là định hướng phát triển của Ngành cũng như tăng cường hiệu quả quản lý, hoạt động của Ngành chứ không phải nghĩ ra để cán bộ có việc làm là xây dựng đề án cho có việc, qua chuyện rồi để đấy. Do đó, các đồng chí Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực phải theo dõi sát việc xây dựng, thực hiện cũng như hậu kiểm và kết quả các Đề án. Văn phòng Bộ là đơn vị phải chịu trách nhiệm kiểm tra xem tình hình thực hiện các đề án đến đâu? Đề án nào đưa vào hoạt động? Đề án nào chưa hoạt động được? Lý do vì sao và hiệu quả của từng đề án? Đặc biệt phải có tư duy xây dựng đề án là vai trò quản lý nhà nước phải đặt lên hàng đầu chứ không phải xây dựng để làm sao cơ quan xây dựng to nhất, vai trò lớn nhất nhưng lại an toàn nhất mà không phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.
Bỏ tư duy trăm dâu đổ đầu…nhà thầu
Báo cáo về tình hình thực hiện 17 Dự án đầu tư mới sử dụng vốn TPCP còn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CL GTVT Dương Viết Roãn cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư 17/17 dự án với tổng mức đầu tư là hơn 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 8 dự án do Bộ làm chủ đầu tư là hơn 8000 tỷ đồng. Các dự án này do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh quản lý 5 dự án; Ban ATGT 2 dự án và Ban Thăng Long 1 dự án. Còn lại 9 dự án được giao cho 8 Sở GTVT làm chủ đầu tư là Tuyên Quang; Thanh Hóa; Nghệ An; Hà Tĩnh; Quản Trị, Quảng Ngãi; Gia Lai, Đắk Lắk với tổng mức đầu tư hơn 4200 tỷ đồng.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên
“Hiện Bộ đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 15/17 dự án”, ông Dương Viết Roãn báo cáo.
Về vấn đề này, các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Lê Đình Thọ, Nguyễn Văn Công và nhiều các đồng chí đại diện các ban, ngành cũng có nhiều ý kiến tham gia nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của toàn Ngành.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thẳng thắn nêu quan điểm, trong thời kỳ hiện nay, việc kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án giao thông theo hình thức kinh doanh – xây dựng – chuyển giao (BOT) là cần thiết để phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT sẽ cùng các Bộ liên quan như Bộ Kế hoạch và đầu tư; Bộ Tài chính kiểm soát tốt các vấn đề xung quanh các dự án BOT, đặc biệt là không tăng giá phí trong thời gian này.
Về vấn đề lựa chọn các nhà thầu tham gia các công trình giao thông, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định, việc Bộ GTVT công bố danh sách 26 nhà thầu xây lắp bị đánh giá “chưa đáp ứng yêu cầu” được dư luận đánh giá cao. Điều này sẽ khiến các nhà thầu tập trung tốt hơn nữa vào việc đảm bảo chất lượng dự án. Tuy nhiên, trong quá trình xét chọn nhà thầu tham gia các dự án của ngành GTVT cũng là một vấn đề lớn. Việc chọn lựa nhà thầu như thế nào? Tiêu chí làm sao? Thông tin lựa chọn đã rộng rãi để chọn được nhà thầu tốt, đủ năng lực hay chưa hay mới chỉ chọn các đơn vị đã từng tham gia các dự án của Ngành GTVT?
Bên cạnh đó phải tăng cường trách nhiệm của tất cả các đồng chí lãnh đạo Bộ phụ trách dự án
“Các đồng chí phải rà soát lại, xem lại tổng mức đầu tư, phải “lăn” vào dự án từ đầu, xác định quy mô dự án cho phù hợp. Công trình có quy mô nhỏ thì không xứng đáng với tiềm năng, quy hoạch và phát triển kinh tế, địa phương, vùng nhưng to quá thì chưa cần thiết, lãng phí. Đặc biệt, mặc dù các khâu, các cơ quan không ăn bớt tiền của của nhà nước nhưng tính toán sai, tắc trách sẽ dẫn đến lãng phí của công. Do đó, vai trò người thẩm định dự án là đặc biệt quan trọng”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua có hiện tượng chất lượng công trình chưa tốt, chúng ta cũng yêu cầu nhà thầu sửa chữa rồi nhà đầu tư mới được thu phí hoặc “cấm cửa” nhà thầu tham gia các dự án của ngành GTVT, đây là việc làm đúng nhưng chưa đủ, chưa thấy hết vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
“Trăm tội đổ cho nhà thầu thì vai trò Ban QLDA, chủ đầu tư ở đâu? Tại sao lại chọn nhà thầu không đủ năng lực như vậy? Vai trò của tư vấn ở chỗ nào, chả lẽ tư vấn chỉ việc nhận lương đến lúc chất lượng xuống cấp ngay sau khi công trình vừa đưa vào sử dụng thì phủi tay, đổ hết cho nhà thầu là không được”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ rõ.
Không chỉ tập trung chỉ rõ trách nhiệm các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng cơ bản; công tác xây dựng Văn bản QPPL và xây dựng các Đề án, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa còn lưu ý các đồng chí lãnh đạo các lĩnh vực của Bộ cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa lưu ý các cơ quan của ngành Hàng không phải phối hợp với nhau cho tốt, tất cả vì mục tiêu phục vụ hành khách tốt nhất chứ không phải chỉ xong việc của mình. Bởi vì theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua đã có hiện tượng dưới Cảng hàng không đẩy hành khách được lên máy bay còn việc hành khách bị đợi trên máy bay hoặc thậm chí bay vòng vèo trên …trời để đợi đáp xuống sân bay vì khâu điều hành chưa tốt đã và đang xảy ra, cần sớm chấm dứt.
Về công tác đảm bảo TTATGT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, sau hàng loạt các vụ tai nạn xe khách xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của trong thời gian qua có trách nhiệm của các cơ quan, các chủ doanh nghiệp, của lái xe, tuy nhiên vấn đề nổi cộm vẫn là việc đào tạo lái xe.
“Chúng ta mới chỉ tập trung dạy nghề lái xe mà chưa rèn người. Bên cạnh đó trên xe thiếu các phương tiện, thiết bị để hỗ trợ khẩn cấp hoặc cảnh báo cũng như hướng dẫn từ chủ xe, lái xe khi có những sự cố không mong muốn xảy ra đối với hành khách. Từ đó, hành khách mới có thể chủ động phối hợp cùng lái xe, phụ xe khi có sự cố nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, công tác truyền thông của Bộ GTVT trong thời gian qua là tương đối tốt, tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn nữa và chuẩn hóa công tác này. Cụ thể, cần tập trung truyền thông vào một số vùng trống như đường thủy, hàng hải, hải đảo, biên giới, công tác cứu hộ, cứu nạn…
“Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan trong ngành cần phải tạo điều kiện và cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin truyền thông nói chung nhưng cũng phải có sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan trong Ngành GTVT, khi có các phát ngôn phải được sự đồng ý của các đồng chí lãnh đạo Bộ để có thông tin chính xác, minh bạch nhất đến với các cơ quan truyền thông nhằm rộng đường dư luận”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện