Lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh
Tại cuộc họp, sau khi nghe các đơn vị quản lý, tư vấn thiết kế, trục vớt cứu hộ kiến nghị các giải pháp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chỉ đạo: Trong những trường hợp đặc biệt thì phải có những cách xử lý đặc biệt, đòi hỏi cao độ năng lực, trình độ, tiến độ, chất lượng... Bình thường xử lý mất 5 tháng, thì bây giờ chỉ xử lý 2,5 tháng thôi. Phải huy động tổng lực để rút ngắn thời gian khắc phục sự cố cầu Ghềnh.
Theo Thứ trưởng Nhật, có 3 việc trọng tâm đó là: Ngành Đường sắt phải tổ chức lại sản xuất, kế hoạch vận tải. Làm cầu mới hay sửa lại cầu cũ, đề nghị tư vấn thiết kế đưa ra phương án và Cục Quản lý chất lượng cùng tham mưu. Nếu làm lại cầu mới thì có điều kiện nâng cao độ tĩnh không cho cầu Ghềnh; Cục Đường thủy Nội địa (ĐTNĐ) chịu trách nhiệm là đầu mối về công tác trục vớt, thanh thải chướng ngại vật trên sông. Trong đó, phải tìm các đơn vị trục vớt cứu hộ giỏi nhất ở khu vực phía Nam, phải khảo sát, đưa ra phương án trong thời gian sớm nhất (chậm nhất là 1 - 2 ngày để trình Bộ GTVT quyết định)…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu: Vụ việc cầu Ghềnh cần phải xử lý cấp bách. Về nguyên tắc, phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương, đơn vị trong ngành để giải quyết nhanh nhất các vấn đề khảo sát, thanh thải, tổ chức vận tải đường thủy, tổ chức vận tải đường sắt cũng như việc khôi phục tuyến đường sắt qua khu vực này.
Mặt khác, không được xảy ra các sự cố tiếp theo và phải an toàn tuyệt đối trong bất kỳ trường hợp nào. Khảo sát phải lên phương án an toàn, có cảnh giới, phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương. Đường thủy phải kiểm soát tuyệt đối an toàn, phải làm song song nhiều việc để thời gian khắc phục nhanh nhất. Thông tin báo chí phải công khai và báo chí cũng phản ánh trung thực.
Thứ trưởng chỉ đạo, đây là công trình khẩn cấp, Tổng công ty Đường sắt là chủ đầu tư và giải quyết thanh thải. Tổng công ty phải chỉ định đầu mối cụ thể, người chỉ đạo phải chịu trách nhiệm chính chứ không phải đợi xin ý kiến, gây lãng phí thời gian. Hàng ngày, Ban chỉ đạo sẽ họp giao ban và Tổng công ty phải báo cáo tình hình. Về khảo sát thực địa, yêu cầu Tedi South và Port Coast khảo sát trên phạm vi tim cầu, mỗi bên 150m, để chiều 21/3 phải có kết quả báo cáo tại cuộc họp với Đồng Nai. Về luồng, Thứ trưởng Đông giao cho Cục ĐTNĐ Việt Nam đề xuất trên cơ sở phương án đảm bảo đường thủy. Luồng nào, phạm vi đến đâu và phải cung cấp ngay chiều 21/3. Cùng đó, phải xây dựng phương án thanh thải. Về kiểm định, giao Viện Khoa học Công nghệ (thuộc Bộ GTVT) kiểm định hai dầm, hai trụ còn lại và nếu cần thiết thì kiểm luôn mố cầu. Dù có thay thế cầu mới cũng phải có kiểm định.
Phương án khôi phục, Thứ trưởng chỉ định cho hai đơn vị tiến hành ngay phương án khảo sát. Trong đó, xây dựng 3 kịch bản khôi phục, nâng cấp và làm mới hoàn toàn. Khắc phục sự cố cầu Ghềnh, thời gian là yếu tố số một, kinh phí là yếu tố so sánh…
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện cả nước có 427 cầu nằm trên các tuyến vận tải ĐTNĐ Trung ương. Trong đó có 125 cầu tĩnh không không đảm bảo chạy tàu (theo đề án “Cải thiện tĩnh không cầu, đảm bảo ĐTNĐ của Cục ĐTNĐ năm 2015); 64 cầu ưu tiên nâng cấp; 5 cầu thuộc diện đặc biết phải nâng cấp, gồm: cầu Long Biên, cầu Đuống (Hà Nội) cầu Chui (Hải Phòng), cầu Ghềnh (Đồng Nai) và cầu Bình Lợi (TP.HCM). |
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện