Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Công sứ Đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam Nagai Katsuro, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long, lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT và đông đảo bà con nhân dân.
Đây là các công trình thuộc gói thầu CP1A - Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM, là một trong các gói thầu xây lắp chính của Dự án nằm trên địa bàn hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Tổng giá trị gói thầu là 6,568 tỷ yên Nhật (tương đương 1.518 tỷ đồng).
Cầu đường sắt Ninh Bình được xây dựng mới cách cầu cũ khoảng 30m về phía hạ lưu. Cầu có 3 nhịp dầm vòm thép chiều dài mỗi nhịp 75m và 22 nhịp dầm hộp chiều dài mỗi nhịp 33m. Kiến trúc tầng trên đường sắt gồm ray 50N Nhật Bản hàn dài, liên kết trực tiếp vào dầm thép và đặt trên tà vẹt liên kết trực tiếp với bản bê tông của dầm giúp tàu chạy êm thuận, ít rung lắc.
Ông Lê Kim Thành - Giám đốc Ban QLDA đường sắt, Bộ GTVT cho biết: "Công nghệ ray hàn dài đặt trên tà vẹt liên kết trực tiếp với bản bê tông của dầm và công nghệ xử lý đất yếu bằng phương pháp xi măng trộn sâu của cầu Ninh Bình là các công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng cho các cầu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM".
Ga Ninh Bình được xây dựng mới cách ga cũ 1,35km về phía Nam. Quy mô đường trong ga được tăng từ 4 đường lên 11 đường giúp tăng khả năng đón tiễn hành khách; tập kết, xếp dỡ hàng hoá; chỉnh bị, sửa chữa đầu máy toa xe và dồn tầu. Ga Ninh Bình mới có nhiều công trình, hạng mục để phục vụ và hỗ trợ nhiều chuyên ngành khác nhau như nhà ga chính, khu nhà chức năng, khu hóa trường... Đặc biệt, ga được xây dựng bổ sung cầu vượt bộ hành trong ga và nâng cao ke ga để thuận tiện cho hành khách lên xuống tầu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM được ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90km/h đối với tàu khách và 50 - 60km/h đối với tàu hàng. Đồng thời, từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên xây dựng nút giao khác mức tại các điểm có lưu lượng giao thông lớn". Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng công ty ĐSVN, Cục ĐSVN và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên, khai thác hiệu quả công trình. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác.
Các đại biểu cắt băng khánh thành
Việc thông tuyến đưa cầu đường sắt Ninh Bình và ga Ninh Bình mới vào khai thác chạy tàu là một hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước Ngành Giao thông vận tải, tiến tới Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn Quốc, mang một ý nghĩa quan trọng đối với ngành GTVT nói chung, Đường sắt Việt Nam nói riêng cũng như hai địa phương Nam Định và Ninh Bình. Sau khi đưa các công trình này vào khai thác sẽ góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tốc tộ chạy tầu và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến. Năng lực vận tải và xếp dỡ hàng hoá của ga Ninh Bình tăng lên, đáp ứng lượng khách du lịch đến Ninh Bình cũng như nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hoá ngày càng tăng. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xoá bỏ, đảm bảo an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện