Đấu thầu bảo trì đường bộ giá giảm đến 30%

Thứ tư - 20/05/2015 13:00. Xem: 179
Phần lớn các đơn vị đều tổ chức đấu thầu thành công, giá trúng thầu giảm từ 5-10%, có gói giảm đến 30%.

 

 
91
Các nhà thầu đều sẵn sàng máy móc và nhân lực để tham gia đấu thầu các gói bảo trì đường bộ- Ảnh: Trần Duy

Từ cuối năm 2014 đến nay, Tổng cục Đường bộ VN đã thực hiện đấu thầu công khai bảo trì đường bộ trên tất cả các tuyến đường. Dự kiến đến hết tháng 6/2015, 100% các Sở GTVT và Cục QLĐB cũng sẽ thực hiện việc đấu thầu này. 

Tiết kiệm lớn

Trước đây, công tác bảo trì đường bộ thực hiện theo hình thức đặt hàng, nhưng từ cuối năm 2014 được thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai. Công tác đấu thầu dựa trên nguyên tắc thị trường để xác định yếu tố hình thành giá và quản lý giá.

"Trước đây, giữa đơn vị quản lý đường với các Khu QLĐB là quan hệ cấp trên - cấp dưới, nên trong quản lý có nhiều hạn chế. Khi chuyển sang theo hướng dịch vụ, đã có sự tách bạch giữa quản lý Nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh. Cơ quan quản lý sẽ chỉ thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát. Tuy nhiên, việc đấu thầu bảo trì đường bộ hiện nay cũng cho thấy có rất nhiều công ty truyền thống trúng thầu vì họ có những kinh nghiệm và lợi thế nhất định về con người cũng như máy móc thiết bị”.

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: “Phần lớn các đơn vị đều tổ chức đấu thầu thành công, giá trúng thầu giảm từ 5 - 10%. Thậm chí, có gói giảm đến 30%”.

Cũng theo ông Điệp, trước đây khi xây dựng yêu cầu kỹ thuật bảo trì cho các tuyến đường, phải tính đầy đủ tất cả tiêu chí, điều này làm dự toán thường rất cao. “Chẳng hạn, những tuyến đường cấp IV khai thác khoảng 10 năm hay đường cấp III đồng bằng trải bê tông nhựa theo định mức cũ cần khoảng 120 triệu đồng cho 1 km đường/năm. Đấy là chưa kể khi bảo dưỡng những công trình cầu, hầm lớn, nhu cầu bảo dưỡng của Tổng cục mỗi năm phải mất đến 2 nghìn tỷ đồng”, ông Điệp nói.

Trước thực tế đó, Bộ GTVT có chủ trương tiết kiệm theo hướng dựa trên số tiền được giao, xác định những công việc cần thiết phải làm, tiết giảm được những công việc không cần thiết. Ví dụ, trước đây mỗi quý đều thực hiện đếm xe ba lần thì nay rút xuống chỉ còn một lần. Khi giảm các yêu cầu đó xuống và công khai minh bạch trong tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu, doanh nghiệp thấy họ không phải làm tất cả các công việc và với lượng tiền hợp lý như thế nên sẵn sàng đấu thầu cạnh tranh với nhau.

Chưa phát hiện phá giá khi đấu thầu

Theo ông Điệp, đến nay chưa có đơn vị nào đấu thầu không thành công. Địa bàn thực hiện được nhiều nhất là Cục QLĐB II, với 17 gói thầu, Cục QLĐB IV được 10 gói. Với hình thức đấu thầu, các doanh nghiệp có thể giảm 30%, miễn là họ chứng minh được việc giảm giá là phù hợp. “Đến nay chúng tôi chưa phải xử lý trường hợp nào về đấu thầu cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu phá giá, bằng mọi cách trúng thầu rồi không làm”, ông Điệp cho biết.

Ông Trần Văn Sơn, Cục trưởng Cục QLĐB I cho biết: “Cục có 10 gói thầu quản lý bảo trì đường bộ phải đấu thầu thì đến nay đều đã đấu thầu xong. Qua đấu thầu đã lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự. Như gói thầu quản lý bảo trì cầu Vĩnh Thịnh đã giảm được tới 28% so với giá đấu thầu đưa ra. Việc giảm giá không ảnh hưởng đến chất lượng gói thầu vì nhà thầu đã tính toán rất kỹ để thực hiện hợp đồng”.

Cũng theo ông Sơn, việc đấu thầu đã tạo được tính công khai, minh bạch, không còn nặng về thủ tục hành chính như trước đây, tạo được sự minh bạch hơn giữa chức năng quản lý Nhà nước và nhà thầu thực hiện công tác bảo trì.

“Hiện nay, thời gian đấu thầu quy định là ba năm, nhưng theo tôi có thể kéo dài thêm càng lâu càng tốt. Khi đó nhà thầu sẽ chủ động được các nguồn lực vật tư, máy móc thiết bị, vật liệu, nhân công để chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo trì. Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ hơn trong việc thực hiện hợp đồng đấu thầu trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng”, ông Sơn đề xuất.

Theo ông Cao Xuân Hoa, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ 470: “Công ty đã chuẩn bị đầy đủ năng lực theo hồ sơ để sẵn sàng tham gia đấu thầu các gói bảo trì đường bộ. Để làm tốt công tác bảo trì đường bộ, công ty đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị để thực hiện tốt tất cả các tiêu chí theo yêu cầu bảo trì đường bộ”.

Là đơn vị đang quản lý bốn tuyến đường với hơn 350 km, ông Nguyễn Thiện Tuyên, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, hiện Sở có ba gói bảo trì thường xuyên đã tổ chức đấu thầu xong. Đến tháng 6/2015 sẽ ký hợp đồng với nhà thầu để tổ chức thực hiện.

“Thực tế đấu thầu các gói bảo trì tại địa phương đã có nhiều nhà thầu tham gia. Việc thực hiện đấu thầu bảo trì đường bộ theo hướng dẫn của Tổng cục diễn ra khá suôn sẻ”, ông Tuyên cho biết.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây